NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG Nếp sống Đồng Công đã xuất hiện trong Giáo hội từ giữa thế kỷ XX tại Việt Nam do Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ sáng lập. Qua bao nhiêu thử thách thăng trầm của Hội Dòng, nhưng nếp sống Đồng Công vẫn giữ được những nét đặc trưng của nó, dù ở bất cứ đâu, trong cuộc sống tập thể ở tu viện hoặc nơi truyền giáo. 1. Bông hoa nhỏ trong vườn hoa muôn sắc Công đồng chung Vatican II, qua hiến chế “Ánh Sáng Muôn Dân”, đã long trọng quả quyết: “Bậc dòng là một ân huệ mà Giáo hội đã nhận được của Chúa” (LG 43). Do đó một dòng tu, khi đã được quyền bính của Giáo hội công nhận, hẳn là một công trình của Thiên Chúa, có nguồn gốc Thần linh, vì theo lời Công đồng: “Các vị sáng lập dòng tu theo ơn thúc giục của Chúa Thánh Thần lập nên những nhà dòng, được Giáo hội hân hoan đón nhận và phê chuẩn” (PC 1). Cũng như các dòng tu khác trong Giáo hội, Dòng Đồng Công, tuy nhỏ bé vì sinh sau đẻ muộn, số lượng còn ít ỏi, thực sự là một dòng tu đúng nghĩa, nên cũng là công trình của Thiên Chúa. Hơn nữa, theo lời xác nhận của Cha sáng lập: chính trời cao đã can thiệp đặc biệt vào sự ra đời của Dòng Đồng Công. Đã nhiều lần Cha xác nhận “Chính trời cao đã can thiệp đặc biệt vào sự ra đời của Dòng Đồng Công”, Ngài đã kể lại rõ ràng, nhất là vào tối ngày 03.04.2001 áp lễ kỷ niệm 60 năm ngài được ơn soi sáng lập Dòng, Cha quả quyết rằng: “Chính Chúa và Đức Mẹ lập nên Hội Dòng”, chứ không phài là Cha, vì Cha chỉ có ý định vào tu một dòng nào đó. Đang phân vân không biết chọn dòng nào, thì bất ngờ Chúa hướng dẫn Cha theo một hướng khác”. Số là sáng ngày thứ Sáu lễ Mẹ Bảy Sự tuần dọn chịu nạn năm 1941, lúc đó đang là giáo sự Triết ở Đại Chủng Viện Quần Phương giáo phận Bùi Chu, Cha nghe tiếng thúc giục trong long rất rõ ràng hãy lập một dòng tu mới cho người Việt Nam. Cha ngần ngại, và nêu ra những thắc mắc, và tất cả đều được tiếng nói bên trong giải đáp bằng những lý do thuyết phục. Cha đã suy nghĩ, cầu nguyện và đầu hàng ơn Chúa Thánh Linh, quyết định lập một Hội Dòng theo ơn soi sáng. Và Chúa đã giữ lời hứa, thu xếp mọi hoàn cảnh thuận lợi để Dòng được thành hình, ra đời và phát triển dù gặp biết bao thử thách cam go, nhiều lúc xem ra như không có lối thoát. Có thể ví Hội Dòng như một bông hoa nhỏ trong vườn hoa muôn hương sắc các dòng tu trong Giáo Hội. Bông hoa nhỏ mấy đi nữa, cũng có những đặc tính của một loài hoa và càng nhỏ càng được Chúa ghé sát để yêu thương, nâng niu, giữ gìn cho khỏi sâu bọ mưa gió tàn phá, không khác gì những bông hoa to lớn khác. Đó là những nét đặc trưng của nếp sống Đồng Công mà đặc sủng Thánh Linh đã mặc cho Dòng có những vẻ độc đáo, quí giá, tạo nên một bản sắc riêng biệt của Dòng Đức Mẹ Đồng Công. 2. Ham Ước Nên Thánh Lòng ham ước nên thánh với bất cứ giá nào, đó là điều kiện tiên quyết để được nhận vào nếp sống Đồng Công, và lòng ham ước này phải được nuôi dưỡng, phát huy không ngừng trong suốt cuộc sống ở mọi nơi, mọi lúc. Đó là ý hướng đầu tiên của Đấng Sáng Lập khi được ơn soi sáng lập dòng nhằm mục đích đào tạo những vị thánh Việt Nam. Mặt khác công cuộc thánh hóa bản thân cũng như truyền giáo chỉ có thể thực hiện được khi lửa nhiệt thành nên thánh luôn bốc cháy. Suốt trong thời gian tìm hiểu dự tu, đệ tử, nhà tập, khấn tập, khấn trọn, lý tưởng thánh được trình bày, uốn nắn và khích lệ cũng như đề cao mức tối đa, bằng mọi hình thức: huấn đức, học hỏi, sửa chữa. Thánh ở đây hiểu là thánh không có hào quang; nên thánh là trở nên bạn thân của Chúa, nên chứng nhân của Chúa Giêsu hiền lành, khiêm nhường, yêu thương, tha thứ. Nói cách khác, thánh nhắm đạt tới là sống bé nhỏ, tin cậy phó thác tuyệt đối trong tay Mẹ Maria, như Chúa Giêsu bé thơ trên cánh tay Mẹ. Kinh nghiệm cho thấy, bất cứ nơi nào, ai có lòng tha thiết với việc nên thánh, mọi khó khăn sẽ vượt qua và ơn bên đỗ được bảo đảm. 3. Yêu Mến Đức Mẹ Mẹ thương con, con yêu Mẹ. Đó là tâm tình phú bẩm của mọi người. Dòng Đồng Công xác tín rằng chính Mẹ Maria đã dùng Cha Sáng Lập như người cộng tác đắc lực để lập ra Hội Dòng. Đức Mẹ đã can thiệp vào mọi biến cố to nhỏ của Dòng nói chung, và đời sống từng phần tử nói riêng. Mẹ đã can thiệp với tấm lòng từ mẫu của Đấng Uy Quyền, mà mỗi phần tử Dòng đều cảm nghiệm được. Vì thế, người tu sĩ Đồng Công ra như có một bản năng tự nhiên tha thiết với Đức Mẹ suốt cả cuộc sống và biểu lộ tình tha thiết này bằng mọi hình thức, ở mọi nơi mọi lúc, đến nỗi thiếu điểm này, người ta không còn nhận ra là tu sĩ Đồng Công nữa. Tên thánh của mỗi anh em Dòng luôn kèm theo một tước hiệu của Đức Mẹ. Tên tu viện, khu sở, lớp khấn cũng thế. Ngày khai giảng học viện, bắt đầu một lớp tập, ngày khấn dòng, khi xây dựng một công trình… thường chọn vào một ngày lễ của Đức Mẹ. Mỗi sáng, khi vừa thức giấc, anh em đọc thầm một kinh Ngợi Khen nhờ Mẹ tạ ơn Chúa đã qua một đêm dài yên ổn. Bài ca này cũng được hát sau khi hiệp lễ hằng ngày, và cảm động nhất là khi một anh em vừa từ giã cõi đời, cả cộng đoàn vây quanh, để nhờ Mẹ dâng lên Chúa lời tạ ơn cho người anh em ra đi đã hoàn tất cuộc đời tận hiến và giờ đây được về nhà Cha để hưởng vinh quang. Trước khi bắt đầu một ngày mới, anh em đọc kinh Dâng Đoàn như tận hiến lại cho Mẹ, nhắc nhở mình đã thuộc trọn về Mẹ ngày vào nhà tập, để suốt ngày sống thân tình với Mẹ. Các lễ kính Đức Mẹ được mừng trọng thể và ngày Sinh Nhật Mẹ (8.09) được coi là tết của Hội Dòng. 4. Tình Yêu Huynh Đệ và Đời Sống Chung Tình huynh đệ gắn bó keo sơn với anh em cùng chung một lý tưởng, cùng sống trong một Hội dòng, đó là “dấu chỉ đặc biệt của người tu sĩ Đồng Công” (HP 69). Ý thức rằng tình huynh đệ tối cần cho sự phát triển của Hội Dòng cũng như sự tấn tới của mỗi phần tử, nên Dòng có nhiều tổ chức về bác ái huynh đệ. Ngày thứ năm đầu tháng là ngày Bác ái. Được nhấn mạnh trong thánh lễ và giờ chầu Thánh Thể tối, để anh em cầu nguyện và đào sâu đức Bác ái. Sau cơm chiều, mỗi tu viện đều hội họp, nhắc nhở về tình thương huynh đệ, sửa lại những sai lỗi trong cuộc sống chung. Mỗi ngày trước khi bắt tay vào công việc, anh em hát ca vịnh Đức ái, vừa để xin ơn vừa để quyết tâm thực hành đức yêu thương trong suốt cả ngày. Nhiều buổi tối trong tuần, các đội họp để kiểm thảo về đức ái. Vâng theo giáo huấn Phúc Âm, hết mọi anh em đều xưng hô với nhau là anh em, không phân biệt tuổi tác, chức thánh hay chức vụ khác nhau (Mt 23, 8- 10).Không chỉ có xưng hô mà thôi, trong cuộc sống thường nhật mọi anh em đều giữ đồng thể trong mọi liên quan đến nhiệm vụ, chỗ ở, của ăn, y phục và đồ. Anh em linh mục chỉ phân biệt với anh em khác trong những vấn đề liên quan đến thánh chức. Khi ốm đau, hay qua đời, anh em đảm nhận việc coi sóc bệnh nhân và an táng anh em quá cố, chứ không thuê mướn người ngoài. Chính tình yêu thương này đã bảo vệ ơn gọi, toan rút lui, nhưng nghĩ tình anh em xum họp mà không thể rũ áo ra đi, hay có ra đi rồi lại trở về. Sở dĩ đức bác ái huynh đệ được coi là dấu chỉ đặc biệt của Dòng vì không những nó là giới răn riêng của Đức Kitô, là điều kiện bất khả khuyết để vào Nước Trời, mà còn vì nhiều lý do khác nữa. 5. Tinh Thần Phục Vụ Khẩu hiệu của Dòng là “Không để được phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mt 20, 28). Do đó phục vụ là tinh thần cốt lõi của Dòng, là hiệu quả của lòng mến Chúa và cụ thể hoá tình bác ái huynh đệ đối với tha nhân, hình ảnh của Chúa. Trước hết, mỗi tu sĩ Đồng Công phải phục vụ chính mình, đích thân làm những việc của mình như giặt giũ, quét phòng; rồi đến việc chung như nấu ăn, rửa chén đĩa, săn sóc anh em bệnh, bảo trì sửa chữa đồ dùng, xe máy, hớt tóc, điện nước, anh em phải chia nhau làm. Sau đến phục vụ người ngoài tuỳ hoàn cảnh, bổn phận như phục vụ các cha già hưu, giúp các gia đình neo đơn, xây cất nhà tình thương, phục vụ khách đến tĩnh tâm. Việc làm không quan trọng vì không phải ai cũng có sức khoẻ, thì giờ hay có dịp thuận tiện để phục vụ, nhưng tinh thần sẵn sàng không nề quản phục vụ mới là chính yếu. Do đó, anh em Đồng Công phải có một tấm lòng quảng đại, tận tình giúp đỡ bất cứ ai cần đến mình trong phạm vi và khả năng cho phép, giúp vô vị lợi, giúp cách đơn thành, không hậu ý. Thêm vào đó, là một thái độ bình dân, cởi mở, hoà mình, không tỏ vẻ kiêu căng hách dịch, xa quần chúng. Sau cùng là một thái độ vui tươi, an bình, gây bầu khí hoà thuận đầm ấm, lạc quan cho người chung quanh, để bất cứ ai, già trẻ sang hèn, giầu nghèo đều có thể tiếp cận với anh em một cách thân tình, dễ dãi, theo gương thánh phaolô “trở nên mọi sự cho mọi người”. Thái độ bình dân, phục vụ, tình nghĩa là nét đặc thù của nếp sống Đồng Công trong tu viện cũng như ngoài xã hội. Từ khi Dòng ra đời đến nay và chắc chắn phải được duy trì mãi mãi, để chân dung Chúa Giêsu người tôi tớ hiền lành, khiêm hạ và đau khổ được hiển lộ qua nếp sống Đồng Công, và cũng để thể hiện khuôn mặt của người Nữ tì Thiên Chúa là Mẹ Maria luôn phục vụ trong vui tươi, khuất tịch tại Nazareth, nơi gia đình thánh Zacharia và tại Cana. Nếu ngày nào đó, có anh em tu sĩ nào xa rời tinh thần phục vụ thì ngày ấy dung mạo người Đồng Công bị méo mó, và sẽ là thảm họa cho tương lại của Hội Dòng. 6. Một Dung mạo đậm đà bản sắc Đồng Công Qua những nét đặc trưng của nếp sống Đồng Công nói trên, ta có thể phác họa dung mạo của người tu sĩ Đồng Công mang chiếc áo chùng thâm dài với cỗ chuỗi đen 150 hạt trước ngực, bên phải có tượng thánh giá mà ai cũng dễ nhận ra khi tiếp xúc với. Đó là một con người vui vẻ, bình dân, cởi mở, nét mặt chất phác đôi khi có vẻ ngây ngô, lúc cầu nguyện thì như một vị khổ tu, lúc làm việc giải trí như bất cứ một người bình thường nào, sẵn sàng vén tay áo để lao động phục vụ một cách đơn sơ giản dị không kênh kiệu, không nề hà; cầu nguyện nhiều giờ mỗi ngày nhất là quí mến việc lần hạt. Họ mang theo những yếu đuối của con người nhưng thiện chí vươn lên để làm thánh, trong sự lệ thuộc vào Mẹ Maria như cam kết của ngày tận hiến, bước theo Chúa Kitô khó nghèo vâng phục và trong sạch, đau khổ và bác ái, rao giảng Phúc âm ở bất cứ nơi nào, dù cho thuận thiện hay bất tiện. Dù là một con người đầy tự ái, ý riêng và khuyết điểm nhưng họ thật tâm vâng phục và hợp nhất với anh em khi Bề trên đã nói tiếng sau cùng. Họ cũng mang kiếp sống mỏng dòn, phải chịu đau khổ về tinh thân thể xác. Ước vọng duy nhất của họ là sống đời bé thơ như Chúa Hài Nhi trên cánh tay Mẹ Maria, luôn được kết hợp với Chúa, hợp nhất với Bề trên và anh em, và phản chiếu gương mặt Chúa Cứu Thế trên Hội thánh và thế giới. Dĩ nhiên đây là khuôn mặt người Đồng Công lý tưởng mà Đấng Sáng Lập đã sống và đã dẫn đường để anh em bước theo. Nhiều anh em đã đạt tới lý tưởng ấy và đã xum vầy bên tòa Chúa trên trời, để lại những tấm gương chói sáng cho hậu thế trong số đó có Cha Phanxicô Maria Nguyễn Minh Đăng là ví dụ điển hình. |