ƠN GỌI TU SỸ

Gm. Phêrô  Nguyễn Soạn

 

Một đứa bé yêu thương mẹ nó, nó không bao giờ đặt vấn đề gì cả, nó nằm gọn trong lòng mẹ nó. Khi thức, nó cười, nói, chơi, đòi bú, đòi kẹo; khi ngủ, nó ngủ một giấc yên lành không lo âu bối rối, không mộng mị gì cả, vì nó hoàn toàn sống phó thác vào mẹ nó, nó coi mẹ nó như vạn năng. Khi lớn dần, nó vẫn kính yêu mẹ nó, nhưng lý trí bắt nó suy tư, nó dần dần nghĩ và khám phá ra tương quan giữa hai mẹ con nó và càng suy tư, nó càng thấy tình mẹ là cả một kho tàng vô giá và trên cõi đời này, nhân loại đã đổ ra không biết bao nhiêu mực, tốn không biết bao nhiêu giấy để ca tụng tình mẹ thương con. Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Mẹ là cơm là bánh, là sữa, là đường, là mật ...

 

Càng khám phá những kỳ diệu nơi tình mẹ, người con càng gắn bó với mẹ hơn. Nhưng mối tình thiêng liêng của mẹ dẫu có kỳ diệu đến đâu cũng không thể so với tình Chúa yêu ta: “Nếu có mẹ nào không yêu con mình, Cha đây không bao giờ quên con”. “Ta yêu con như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh” hay “Ta nâng con lên cao như đôi cánh chim phượng hoàng” và một chân lý ngàn đời rất dịu ngọt lọt vào tai chúng ta : “Từ muôn thuở Chúa đã yêu thương con”. Tất cả chúng ta, những ai đang sống đời tu đều cảm nghiệm như vậy. Hãy ngồi suy tư lại, tại sao Chúa lại chọn chúng ta mà không chọn những người khác, tại sao đời tu lại có lắm chông gai có nhiều thử thách mà chúng ta vẫn còn được ấp ủ trong cánh tay lân ái của Chúa, tại sao bao nhiêu người đã bỏ cuộc còn ta cứ mãi trong hương thơm dịu dàng của Chúa?. Không ai có thể trả lời nổi câu hỏi hóc búa trên, cũng như hỏi một cô con gái quê mùa dốt nát, xấu xí được một hoàng tử giàu sang phú quý kén chọn làm bạn trăm năm, hay hỏi thế nào là yêu thương? Ai biết được, làm sao giải thích được, chỉ có từng sống trong yêu thương mới cảm nghiệm được thế nào là yêu thương. Chỉ có những ai thực tình yêu Chúa và được Chúa yêu thương người đó mới hiểu thế nào là sự dịu ngọt của đời sống tận hiến cho Chúa và cam lòng chịu mọi gian nan thử thách trong đời tu cũng như trong cuộc sống. Nhưng để đi vào cụ thể, chúng ta thử xét một vài khía cạnh của tình Chúa yêu ta và những gì tình yêu đó đòi hỏi : chúng ta chỉ biết dựa vào Kinh Thánh để thấy ý Chúa.

 

Chúa kêu gọi con người thật là kỳ diệu, nổi bật nhất là tính cách nhưng không của nó : Anrê khi nghe giới thiệu Chúa Giêsu với mình, ông đã bỏ thầy Gioan để đi theo Chúa. Matthêô ung dung ngồi thu thuế, Chúa đi ngang gọi : “Hãy theo ta”, Matthêô đã lập tức “giải nghệ” để đi theo Chúa. Phaolô trên con đường đi bắt đạo, đã bị quật ngã xuống ngựa và sau đó thưa với Chúa : “Lạy Chúa con phải làm gì ?” Phần chúng ta, khi nghe tiếng Chúa gọi cách này cách khác, chúng ta cũng đã đáp trả bằng cách đi vào tu viện. Chúa có thể dùng những lý do không đâu để quyến rủ ta: như một tà áo, hay dáng dấp đạo đức của một ma soeur đang giúp xứ, hay đề nghị của cha sở hay ước muốn của người mẹ, hoặc chính Chúa thúc đẩy trong tâm hồn chúng ta... Tất cả mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống dần dà đưa ta đến cổng tu viện mà có khi ta chưa biết. Rồi ngày tháng trôi qua, ta ý thức dần và như người con dần dà hiểu được tình mẹ trong tuổi khôn, mỗi ngày chúng ta trưởng thành hơn, suy nghĩ chín chắn hơn, chúng ta cảm nghiệm được tình Chúa yêu ta nhiều hơn. Nhưng tình yêu đòi hỏi hai chiều, tình yêu đơn phương là tình yêu tuyệt vọng. Chúa yêu ta nhưng Chúa cũng đòi hỏi người Chúa yêu phải đáp trả. Đáp trả bằng cách nào ? Đây, chúng ta hãy nghe Lời Chúa:

 

“Cùng đi với Chúa có dân chúng đông đảo, Ngài quay lại bảo họ: “Ai đi theo Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh chị em mình và cả mạng sống mình nữa, ắt không thể làm môn đệ ta. Ai không vác khổ giá mình mà theo Ta, ắt không thể làm môn đệ Ta.

 

Quả vậy, ai trong các ngươi muốn xây tháp, mà trước tiên lại không ngồi mà trù liệu phí tổn, xem có đủ vốn đến lúc hoàn thành hay không, kẻo lỡ đã đặt móng rồi, mà không có sức hoàn tất, thì người ta sẽ cười mà bảo: Anh ta đã khởi công mà chẳng có sức làm cho xong việc.

 

Hay có vua nào sắp giao chiến với vua khác, trước tiên lại không ngồi bàn tính xem có một vạn quân, mình có nên nghinh chiến với vua kia tới hai vạn quân không? Nếu không, thì khi vua kia còn ở xa, ắt sai sứ cầu hòa.

 

Cũng vậy, phàm ai trong các ngươi không từ bỏ của cải mình thì không đáng làm môn đệ Ta.

 

Đã hẳn muối là vật tốt lành. Nhưng nếu muối lạt thì lấy gì ướp nó mặn lại được ? Làm phân bón cũng không được, người ta đành đổ nó đi. Ai có tai thì hãy nghe.” (Lc 14,25-34)

 

Một đoàn lũ theo Chúa, thán phục Ngài, có thiện cảm với Ngài, bắt đầu nhận thấy nơi Ngài là Đấng Thiên Sai. Nhưng trong đám đông này mấy ai đã theo Chúa đến cùng ? Cảm tình của họ sâu đậm hay hời hợt nhất thời ? Phải chăng trong những cảm tình ấy được gợi lên do vẻ đẹp uy nghi của Chúa, do sự trong sáng của giáo lý tuyệt vời ngài dạy, hay do những phép lạ Chúa làm ? Trong lúc muốn trở thành môn đệ chân chính của Chúa, phải có những tâm tình, những ý hướng khác. Thán phục không chưa đủ, cũng như việc chấp nhận giáo lý cao siêu cách nồng nhiệt bên ngoài chưa đủ. Điều cần phải có là con tim có quyến luyến giáo lý đó không, trí óc có xác tín giáo lý đó không và có quyết tâm đem ra thực hành không. Điều cần phải có là hoán cải toàn diện nội tâm, bỏ mình, khiêm hạ, yêu Chúa và thương đồng loại. Riêng đối với những người theo Chúa, Chúa còn nhắn nhủ nhiều hơn, tha thiết hơn : phải biết nhận định nấc thang giá trị, phải biết đặt siêu nhiên trên tự nhiên, phải biết sống đời hy tế, như vậy mới xứng là môn đệ của Ngài, vì Ngài đã sống như vậy.

 

Chúa nói với những người theo Ngài: Muốn gia nhập vào đời sống làm môn đệ Chúa, tin yêu tha thiết với Chúa, thì phải chấp nhận giáo lý Ngài dạy, mà sự gia nhập này không thể có được nếu không khước từ thế tục (x. Mt 10,37-38). Sự gia nhập bên trong đòi phải khước từ toàn diện, đến phải hy sinh những tình cảm chính đáng nhất của gia đình. Lời Chúa xem ra rất nghiêm khắc : “Ai không ghét cha mẹ ...”. Tiếng ghét này theo lối nói Do Thái không theo nghĩa thông thường, nhưng ý nói phải đặt tình mến Chúa Kitô trên hết mọi quyến luyến của gia đình. Nói câu trên, Chúa Giêsu đã thấy trước những bách hại hoặc những khủng hoảng đang chờ đợi những con người quyết tâm theo Chúa, những con người này có lúc phải chọn lựa giữa cha mẹ, mạng sống và quyết tâm theo Chúa, đeo đuổi cuộc sống tác sinh phần rỗi. Gia đình có thể là một ngăn trở cho việc thực thi thánh ý Chúa. Trong trường hợp như vậy, phải “ghét” gia đình, nghĩa là đặt Chúa trên hết, dẫu phải trả giá đắt cho đời sống tự nhiên đi nữa.

 

Người môn đệ Chúa còn phải hy sinh cả mạng sống mình : phải biết tuyên xưng đức tin, tuyên xưng đức Kitô trước mặt mọi người, trong thời kỳ khủng hoảng, trong lúc cấm cách, có thể đi đến chỗ mất mạng. Người tông đồ chân thực quả là ở trong tình trạng bị lên án tử, một loại án tử mà tội nhân phải vác chính dụng cụ khổ hình của mình, nếu không bị giết ngay tức khắc thì cũng phải bị kết án chung thân, mang trên mình ách nặng là vác khổ giá mình mọi ngày. Vác thánh giá có nghĩa là tự đặt mình trong tư thế sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ từ đâu đến, đương đầu với mọi thử thách, dẫu phải đổ giọt máu cuối cùng vì Chúa Kitô. Phúc Âm phải được đặt lên trên mọi tiện nghi, mọi lợi lộc, mọi quyến luyến và cả đời sống nữa.

 

Những hy sinh nặng nề kia đòi hỏi người môn đệ Chúa Kitô, không phải một sự cố gắng chóng qua, mà là một sự chịu đựng trường kỳ. Người môn đệ phải có sự kiên nhẫn. Ai thiếu kiên nhẫn bỏ cuộc giữa đường, người ấy sẽ bị chê trách là phá ơn Chúa gọi, là bán đồ nhi phế (làm việc mà bỏ dở nửa chừng), là giữa đường đứt gánh, là hủy hoại cuộc đời mình. Đó là ý nghĩa của hai dụ ngôn trên đây. Chúa muốn dạy bài học khôn ngoan cho tất cả những ai muốn theo Chúa: “Cầm cày đừng ngó lại sau lưng”. Dụ ngôn thứ nhất nói về việc xây tháp, tháp này chắc phải đồ sộ, đòi thời gian lâu dài và kinh phí tốn kém. Nếu là người khôn ngoan, khởi sự một công trình như vậy tất phải tính toán hơn thiệt trước khi ra tay thực hiện. Lý do tại sao phải tính toán ? Chúa giải thích trong câu 29-30: nếu sự việc không thành thì xấu hổ với thiên hạ. Người ta sẽ cười chê là vụng tính, thiếu khôn ngoan, kiêu ngạo, vốn liếng ít mà muốn cho to chuyện.

 

Xây tháp phải suy nghĩ kỹ hai vấn đề: hoặc bỏ cuộc trước đi, không khởi công làm việc mà không đến nơi đến chốn hoặc có khởi công rồi thì dầu phải bán khố cố bành cũng ráng theo cho đến cùng, kẻo xấu hổ quá đi. Đối với Chúa thì không có đắn đo nhiều, một khi Chúa đã gọi, thì chỉ có con đường tốt nhất là dấn bước theo Chúa. Chúa đã hy sinh tất cả cho chúng ta thì ta chỉ còn hy sinh tất cả cho Ngài mà thôi. Chúa không chấp nhận những người hèn nhát bỏ cuộc, vì Nước Trời chỉ dành cho những người mạnh. Như vậy không phải là có chọn Chúa hay không mà bây giờ phải xem xét tiêu dùng những gì để hoàn tất công việc tu trì của mình : để trở thành môn đệ đích thực của Chúa, ta phải nghiêm chỉnh xem xét những hy sinh nào cần phải có, những chướng ngại nào cần phải vượt qua và sẵn sàng chấp nhận đời sống như thế cho đến hơi thở cuối cùng, quyết cầm cày không ngó lại sau lưng.

 

Dụ ngôn thứ hai kể một ông vua bị bó buộc phải đánh giặc. Trước khi khởi sự kháng cự, phải suy tính kỹ lưỡng, vì vận mạng ông tùy thuộc vào chiến cuộc. Ông phải đọ sức với đối phương “một chọi hai”. Lực lượng nhân sự chênh lệch rồi, thì phải tìm địa thế đặc biệt hay hoàn cảnh thuận lợi nào đó bù lại. Chính yếu là ở chỗ đó, nếu không thì cầu hòa cho sớm, dẫu phải chịu một vài bất lợi. Thà vậy còn hơn để cho xứ sở bị tàn phá, dân chúng bị lưu đày chết chóc do chiến tranh thất bại gây ra.

 

Câu 33 là bài học rút ra từ hai dụ ngôn trên : ví như người xây tháp để cứu vãn danh dự, chấp nhận mọi chi phí cho việc xây cất, như ông vua để tránh sụp đổ hoàn toàn đành cầu hòa và triều cống; vậy kẻ muốn theo Chúa, làm môn đệ Chúa Kitô, sẽ phải vui lòng dâng hiến cả cuộc đời, chịu đựng mọi thử thách, chấp nhận mọi đòi hỏi giáo lý yêu sách của Ngài, không để mình tháo lui thua cuộc.

 

Kết thúc câu chuyện, Chúa dùng hình ảnh muối. Đặc tính của muối là mặn, dùng để làm gia vị, ướp đồ ăn. Nếu muối lạt, thì làm sao dùng được? Ở đây Chúa muốn nói điều mà thuyết chính danh của Khổng Tử đã đề cập từ lâu: cha phải sống ra cha, con phải ra con, tôi phải ra tôi, vua phải ra vua. Nhà tu phải sống cho ra nhà tu. Muối lạt thì không còn được tích sự gì cả, ngay cả làm phân bón ruộng cũng không được. Muối mặn tượng trưng cho các môn đệ quảng đại và muối lạt so với các môn đệ theo Chúa giữa vời, ươn ái. Một người tu sĩ tốt, như muối mặn thấm nhập vào đời sống người khác, giữ cho đời họ luôn tốt đẹp, khỏi ươn. Như vậy người môn đệ tốt là người thánh hóa không những bản thân mình mà còn thánh hóa cả môi trường mình nữa. Trái lại môn đệ không có tinh thần từ bỏ, quay về thế gian sau thời gian theo Chúa, mất hết mọi ảnh hưởng, trở thành vô dụng cho việc rao giảng nước Chúa. Hình phạt nặng nề đang chờ đón người môn đệ bỏ cuộc vì không đi hay đi ngược hướng đường Chúa đi xưa, tức là lạc lối và lạc lõng giữa biển đời mênh mông đầy sóng gió. Chính vì sự việc quan trọng đến mức đó mà Chúa căn dặn, ai có tai thì hãy nghe, phải suy nghĩ lời Ngài vừa nói, không phải là chuyện chơi. Cố mà hiểu ra một bài học trong đời sống thực tế.

 

Như vậy đi tu là bỏ mình, sống đời sống hy sinh, chấp nhận gian khổ để mong đáp lại tình Chúa yêu ta. Nhiều khi tiếng Chúa gọi làm đương sự phải sững sờ.  Trong Kinh Thánh chúng ta đọc thấy chuyện Samuel. Cậu bé Samuel được mẹ gởi vào đền thờ, thụ giáo với thầy cả Hêli. Đêm khuya Chúa gọi cậu, cậu tưởng thầy cả Hêli gọi mình, liền chạy đến hỏi thầy cả. Nhưng thầy cả biết Chúa gọi nên mới căn dặn Samuel, nếu có ai gọi nữa, thì con hãy nói : “Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”. Thế rồi quả nhiên Chúa gọi lần nữa và Samuel đã thưa như thầy cả Hêli dặn. Chúa đã mạc khải cho Samuel một tin buồn khủng khiếp : Ngài sẽ chọn Samuel làm thượng tế thay Hêli và Hêli cùng cả gia đình sẽ bị Chúa phạt nặng nề. Thật là khủng khiếp, Samuel như hụt chân. Người mà Samuel hằng kính yêu quý mến, dẫn dắt mình đi từng bước một, nay lại là người sắp bị Chúa phạt, cất đi và Chúa không dạy bảo cho mình một lời nào khác. Tương lai trở thành mù tối, đời mình sẽ ra sao. Nhưng Samuel vẫn âm thầm dấn bước ... Nhiều lúc trong cuộc đời tu, chúng ta thấy những người chúng ta khâm phục, những người chúng ta quý mến, mà phải ra đi, phải lâm cảnh phũ phàng. Chúng ta đừng thất vọng, Thiên Chúa luôn luôn kỳ diệu và huyền bí trong Tiếng Gọi của Ngài.

 

Một ví dụ khác, tiên tri Yêrêmya, một người nhà quê cách Yêrusalem 3 cây số, Chúa gọi ông làm tiên tri. Ông bảo “con nhà quê, miệng lưỡi cứng ngọng, không thể nói năng xuôi chảy làm sao làm tiên tri được, xin Chúa chọn người trong thành phố văn minh, hùng biện kia”. Nhưng Chúa bảo “đừng lo, Ta sẽ ở trong miệng con và nói thay con”. Yêrêmya chấp nhận làm tiên tri và cuộc đời chông gai đày đọa xảy đến cho Yêrêmya, ông bị đồng bào ruồng bỏ, các vua bắt bỏ tù và chịu muôn vàn khốn khó. Nhưng được ơn Chúa, ông vẫn mạnh dạn rao giảng lời Chúa, dầu lời nói đi ngược với tâm lý vua quan và toàn dân. Ông bị hạ ngục và sau những cơn sóng gió của đời tiên tri, ông nằm trong tù nghĩ lại cuộc đời và hối tiếc vì đã xa lìa cảnh thơ mộng êm đềm ở nhà quê, đi theo tiếng gọi của Chúa, ông lên tiếng trách móc Chúa : “Chúa đã quyến rũ con, chớ con đâu có muốn làm tiên tri ?”. Nhưng than thì than, mà hôm sau khi được thả ra, Yêrêmya vẫn thấy có một cái gì nóng bỏng trong lồng ngực phải rao giảng lời Chúa và ông đã hùng hồn đả kích vua quan và dân chúng theo lệnh Yavê. Đời ông là một chuỗi dài những tương phản giữa nghĩa vụ cao cả tiên tri và con người ủy mị yếu hèn, đầy tình người của ông. Thế mà Yêrêmya vẫn là một khuôn mặt vĩ đại trong Cựu Ước. Đời chúng ta cũng có lúc thảm sầu và những lúc tắt nắng, sắp lên giường, chúng ta thấy ngao ngán than trách Chúa, nhưng ngày mai trời lại sáng, chúng ta hăng say đi làm nghĩa vụ của một tu sĩ. Cứ từng giọt như thế cho đến hơi thở cuối cùng. Thực tế là như vậy.

 

Một hình ảnh khác, hai môn đệ làng Emmaus. Những người này theo Chúa khá lâu, nghĩa là cho đến hết đời Chúa. Họ từng kỳ vọng nơi Chúa và ước muốn thăng quan tiến chức trong nước Chúa sau này. Nhưng nào ngờ, nước Chúa không thấy mà cứ thấy hết thất bại này đến thất bại khác dồn dập trên cuộc đời Chúa. Thất bại cuối cùng là một cái chết nhục nhã trên thánh giá. Họ ngã lòng, tuyệt vọng bỏ về làng cũ. Lòng ê chề vì đợi chờ quá lâu, buồn ra mặt, họ không thể giấu ai được. Chúa Giêsu đi ngang qua, đã bắt gặp họ mặt buồn rười rượi. Chúa hỏi họ và họ đã trả lời. Họ không giấu điều gì, trình bày hết mọi sự, như trút nhẹ gánh sầu nặng trĩu trong tâm tư. Chúa Giêsu đã trách yêu họ, gọi họ là dại dột, rồi Ngài kiên nhẫn giáo hóa họ, cùng bước đi với họ mặc dầu họ đi ngược đường với Yêrusalem. Sau khi Chúa bẻ bánh họ mới nhận ra Ngài đã sống lại và vội vã trở về với cộng đoàn ở Yêrusalem. Nhiều tu sĩ đã thấy ngán tu, họ thấy tuyệt vọng trong nhà tu, vì họ không tìm ra những gì thỏa mãn những kỳ vọng của mình. Nhưng họ đâu có ngờ đó là những ảo vọng. Họ bỏ cộng đoàn ra đi, bỏ thực cũng có mà có khi chỉ bỏ trong tâm tư, nghĩa là tâm bất tại. Thể xác thì sống trong cộng đoàn, nhưng tâm tư thì đã ra khỏi ngõ. Chúa Giêsu đến đánh động họ và mời gọi họ trở về với thực tế. Đời tu là thể hiện lòng yêu mến Chúa, mà yêu là cho đi, cho cả chính mình, thì còn gì nuối tiếc ?

 

Từng ấy cũng quá đủ để ta biết tình Chúa là kỳ diệu đối với những ai Chúa gọi theo Ngài: Con đường Chúa dẫn ta đi có lúc ẩn lúc hiện, lúc thẳng lúc quanh co, nhiều khi Chúa dẫn ta đi tới, có lúc lại phải đi giật lùi và nhiều khi lâm vào ngõ cụt. Chúng ta chỉ lấy đức tin mà tin vào Chúa và tin vào tình yêu bao la của Ngài. Trên đường đời chúng ta gặp buồn nhiều hơn vui, đau khổ nhiều hơn hạnh phúc, nhưng đó là con đường Chúa Giêsu đã đi qua để bước vào vinh quang. Ngài đã từng tâm sự : “linh hồn Thầy buồn cho đến chết”, buồn vì phản bội, buồn vì bị bỏ rơi, buồn vì sắp đi vào cõi chết. Đau khổ có lúc đến tột độ Chúa đã thốt lên “ Lạy Cha, nhân sao Cha bỏ con ?”. Nhưng với một niềm tin yêu phó thác, Chúa đã thưa tiếng cuối cùng : “Con phó linh hồn con trong tay Cha”. Của lễ toàn thiêu đã kết thúc trong tiếng “mọi sự đã hoàn tất”, nhưng Chúa muốn chúng ta tiếp nối của lễ ấy trong cuộc sống hàng ngày của đời tu chúng ta.

 

Qui Nhơn, ngày 2 tháng 2 năm 2014

Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu trong đền thánh

Gm. Phêrô  Nguyễn Soạn

 

Tác giả bài viết: Gm. Phêrô Nguyễn Soạn 

Nguồn tin: Gpquinhon.org