Hạnh Các Thánh Ngày 29 tháng 10
THÁNH NỮ LUCIA BARTÔLÔNI RUCELLAI |
Chúng ta đừng lẫn với nữ chân phước Lucia Bartôlini Rucellai với thánh nữ Lucia thành Narni, cũng thuộc dòng ba thánh Đaminh, chết năm 1541. Nữ thánh Lucia chúng ta kính nhớ hôm nay nhũ danh là Camilla và là vị sáng lập tu viện Dòng Ba Đaminh tại Florencia. Ngài sinh năm 1465 tại Florencia, giữa lúc Giáo hội bị nhiễm độc vì những ảnh hưởng xấu của bè rối Lutherô và Calvin. Gia đình Lucia cũng bị hoàn cảnh xã hội ấy chi phối như bao gia đình khác khiến lòng đạo đức của ông Bartôlôni thân phụ Lucia sinh ra lạnh nhạt và bắt con phải lập gia đình. Và ông đã gả Lucia cho một thanh niên con nhà cự phú tên là Rôđôphô Rucellai. Biết không thể cưỡng lại ý cha, Lucia phải cúi đầu vâng lời, để mặc ý Chúa phân định. Từ ngày bước sang chặng đời mới, Lucia mất đi tất cả những niềm vui và sung sướng của tuổi hoa niên. Có lần với hai dòng lệ tuôn rơi, ngài quì trước nhà chầu ôn lại với Chúa những kỷ niệm, khi viếng nhà thương, phát tiền cho dân nghèo và chăm sóc trẻ mồ côi. Tình cờ một chị em bạn bắt gặp và hỏi ngài: “Tại sao lại khóc?” Thánh nữ hoan hỉ trả lời: “Em khóc vì sung sướng, vì nhớ lại những kỷ niệm êm đềm của thời niên thiếu”. Sự kiện trên chứng tỏ Lucia có một tâm hồn tế nhị, đơn sơ, một tinh thần bác ái sâu xa. Đúng thế, mặc dầu sống trong một gia đình thiếu bầu khí đạo đức, chẳng những không được tự do thi hành việc thiện lại còn hay bị cản ngăn và có nhiều dịp lôi cuốn vào cuộc sống xa hoa, Lucia khi còn bé vẫn được tiếng là một thiếu nữ ngoan đạo. Suốt năm tháng, ngài chỉ biết có ba nơi: gia đình, thánh đường và trường học. Vì thế, ông Đaminh Bartôlôni bề ngoài cấm đoán Lucia sống đời đạo đức, nhưng lại rất hãnh diện vì phẩm hạnh của con. Thêm vào đó, Lucia còn có một sắc đẹp thuỳ mị nói lên tất cả sự trong sạch của tâm hồn. Tuy có những lúc rơi lụy vì nhớ tiếc quãng đời êm đềm khi còn nhỏ ấy, nhưng đó không phải là lý do có thể làm cho ngài quên bổn phận hiện tại của một nàng dâu, một người vợ hiền. Hiểu và thực hành “Đức phó thác”, thánh nữ biết vui vẻ chịu đựng mọi vất vả, mọi đau khổ gặp phải trong gia đình. Cái làm cho ngài hạnh phúc hơn hết là thấy mình lúc nào cũng chân thành yêu thương hết mọi người vì Chúa. Nhờ đó, dù ở đâu và lúc nào thánh nữ cũng được mọi người trong gia đình cũng như bà con hàng xóm quý mến và kính trọng, cũng nhờ đó thánh nữ cảm hóa được người bạn trăm năm. Thay vì chỉ để tâm góp của làm giầu, ông Rôđôlphô đã biết hy sinh, xuất tiền bạc giúp đỡ nhiều nhà thương và nâng đỡ nhiều hội từ thiện. Nhưng đáng kể hơn cả là ông có được một lòng đạo đức chắc chắn để cùng với người vợ hiền can đảm chịu số phận son sẻ. Vâng theo ý Chúa, hai người bạn tâm phúc ấy ngày đêm yên ủi và giúp đỡ nhau trên đường trọn lành, và để thể hiện mục đích ấy, họ cảm thấy không phương pháp nào hiệu nghiệm hơn là đời sống tận hiến trong tu viện. Ước nguyện ấy một ngày kia đã dâng lên mạnh mẽ trong tâm hồn Rôđôlphô lúc ông đang cầu nguyện. Không chịu nổi, ông từ giã Chúa về kể cho Lucia hay. Lucia lúc đầu còn ngần ngại, muốn đợi xin Chúa cho một dấu hiệu nào rõ rệt, nhưng Rôđôlphô lại nhất định xin mặc áo dòng thánh Đaminh tại tu viện thánh Marcô, Lucia ở lại nhà làm hội viên dòng ba thánh Đaminh. Bấy giờ ngài mới 31 tuổi. Cho đến năm 1500, khi người bạn hiền đã qua đời, ngài thu hết tiền của xây cất một nhà dòng ba tại Florencia. Địa điểm thánh nữ muốn chọn để lập tu viện, trước kia là một cánh đồng lầy, nơi tụ họp của các đảng cướp và loạn quân. Xung quanh đã không có dân ở, lại trùng điệp những ngọn núi rậm rạp. Nhưng từ năm 1333, người ta đã đến khai phá và biến nơi đó thành một thị xã nhỏ bé với mấy ngàn dân cư! Từ đấy thỉnh thoảng có những cha dòng Đaminh về thuyết giáo cho dân chúng nổi tiếng hơn cả có cha Giêrônimô Savônarôlô. Chính ngài, năm 1495 đã có ý định xây cất một nhà dòng ba thánh Đaminh tại đây, nhưng cha chưa thực hiện được thì Chúa đã gọi cha về. Cha Giêrônimô qua đời năm 1498, và hai năm sau thánh nữ Lucia được Chúa soi sáng đã tiếp tục công việc của cha. Công việc bắt đầu với rất nhiều khó khăn. Tuy niên, thánh nữ không nản lòng, cứ tin tưởng và phó thác mọi sự cho Chúa rồi hoạt động theo sức mình. Sau hai năm vất vả, thánh nữ đã hoàn thành công việc xây cất vào chính ngày lễ thánh Giêrônimô. Thánh nữ được chọn làm bề trên tu viện, và chính thức đổi tên là Lucia. Tất cả đều mặc áo dòng ba và sống theo tinh thần của thánh Đaminh. Các chị sống bằng công việc chân tay và của bố thí. Cho tới mãi năm 1510, thánh Lucia mới xin bề trên cả cho các chị nhận ba lời khấn và thuộc quyền trông nom của cha bề trên tu viện thánh Marcô. Năm 1521, vì ảnh hưởng nhân đức của Lucia, tu viện đã được Đức Lêô X chính thức nâng lên bậc hai như các nữ tu viện khác thuộc dòng thánh Đaminh. Thực vậy, trong cuộc sống chung với chị em trong dòng, ai nấy đều cảm phục, yêu mến và nhìn ngắm ở Lucia một gương mẫu hy sinh và cầu nguyện. Ngài ăn chay đền tội hầu như hằng ngày. Người ta còn kể rằng tu viện như chìm ngập trong ánh lửa mỗi khi thánh nữ quỳ cầu nguyện. Đúng hay không, sự kiện trên cũng chứng tỏ lòng sốt sắng nồng nhiệt của thánh nữ! Đời sống thánh thiện ấy càng tăng lên gấp bội trong những ngày cuối đời của thánh nữ. Không nề quản tuổi già và bệnh tật, chị Lucia vẫn làm việc, giữ luật và chay tịnh cho đến phút sau cùng của đời sống. Thánh nữ qua đời cuối năm 1520, hưởng thọ 56 tuổi. Lạy Chúa Giêsu cực thánh, xin vì lời bầu cử và gương sáng của thánh nữ Lucia, ban cho chúng con thông hiểu và đem ra thực hành đường lối nên thánh của ngài là biết hoàn tất bổn phận hiện tại của chúng con trong đức mến yêu chân thành và lòng tin tưởng phó thác mạnh mẽ. |