Hạnh Các Thánh Ngày 27 tháng 8 THÁNH MONICA, QUAN THẦY CÁC BÀ MẸ CÔNG GIÁO |
Thánh nữ Monica, một bà mẹ gương mẫu, một bà mẹ đã khóc và cầu nguyện 15 năm trường để đem người con trở về với đức tin Công giáo, và sau nên vị Tiến sĩ thời danh của Giáo hội: Thánh Âutinh. Mừng lễ thánh Monica, Giáo hội muốn đề cao gương sáng một người mẹ, đã vì Chúa hy sinh toàn đời sống hun đúc nền thánh thiện cho con. Souk Ahras một làng nhỏ nằm trên đường Carthagô đi Hipponê bên Phi châu là tổ quán của thánh nữ. Ngài sinh ra năm 333, trong một gia đình đạo đức và thánh thiện. Bầu không khí của gia đình ấy đã hun đúc Monica sớm trở nên một cô bé ngoan ngoãn và nhiều đức tính tốt. Cô đơn sơ vui vẻ và thương người đến cực điểm. Cứ mỗi bữa ăn, cô sung sướng để dành một phần bánh đem cho người nghèo. Khác với chị em cùng tuổi, Monica có lòng đạo khác thường: Ngoài những giờ làm việc giúp đỡ mẹ, và những buổi cắp sách đến trường, Monica tìm nhiều giờ vào nhà thờ hay đến nơi vắng vẻ để cầu nguyện. Nhờ đó, linh hồn Monica luôn trinh trong, nảy nở nhiều nhân đức. Vẻ đẹp của nhân đức ấy hiện rõ trên nét mặt của cô, đến nỗi một sử gia đã viết lại: “Vẻ đẹp của Monica không sao diễn tả được”. Phải, chính vẻ đẹp thánh thiện và siêu nhiên ấy là hồng ân Chúa ban, tô điểm thêm duyên sắc thùy mị và đoan trang hiếm có của cô. Cô ăn mặc đơn giản, với chiếc áo trắng là biểu hiện sự trong sạch của linh hồn. Năm 22 tuổi Monica vâng lời cha mẹ kết hôn với Patriciô là con một gia đình quý phái ở Thagastê. Patriciôâ là người có tính ngang tàng độc ác. Đàng khác, tuổi ông lại gấp đôi tuổi Monica. Thấy thế, nhiều người ngạc nhiên, không hiểu tại sao ông bà thân sinh lại gả Monica cho một người như vậy? Nhưng ai hiểu được ý Chúa nhiệm mầu thể hiện qua sự quyết định của cha mẹ. Là một thiếu nữ nhân đức, Monica tin ở Chúa và cha mẹ. Cô nén chịu nỗi khổ tâm, vui vẻ vâng lời cha mẹ và can đảm theo ý Chúa với ước vọng sẽ cứu được một linh hồn. Về nhà chồng, Monica còn phải sống với người mẹ chồng ngoại giáo độc ác không kém con trai của bà. Còn Patriciôâ, một người chồng có bản tính cục cằn và vũ phu, ngăn cản không muốn cho Monica làm bất cứ một việc thiện nào, dù là bố thí cho kẻ nghèo, yên ủi người bệnh tật hay giúp đỡ người giúp việc. Vì thế, lúc nào Monica cũng gặp thấy trăm ngàn cay cực. Nhưng đã định chinh phục con người xấu nết ấy, Monica nhất quyết nhẫn nại, dù với giá nào. Cảm phục đức tính của mẹ, sau này Âutinh đã viết: “Nếu khi còn là con gái, mẹ tôi chỉ biết ngoan ngoãn vâng lời Chúa và cha mẹ, thì khi đã kết bạn, người chỉ biết vâng lời chồng, vâng lời một cách thâm sâu”. Quả thế, nhờ lời cầu nguyện và đức kiên nhẫn mà Monica đã dần dần cảm hóa được ông Patriciô. Ông hiểu biết và đem lòng mến phục người bạn trăm năm. Mấy năm sau Monica đã được ba mặt con, mà Âutinh là anh cả. Vui mừng, giữa những ngày đẫm lệ! Mặc dầu sống trong một gia đình hầu như hoàn toàn ngoại giáo, bà đã hết lòng chu toàn sứ mệnh làm mẹ, giáo dục các con biết mến Chúa và yêu người. Bà luôn tự ẵm bế con, phú dạy cho con đức tin Công giáo bằng chính khóe mắt yêu đương và dòng sữa dịu ngọt. Bà thường nói với Âutinh về tình yêu Thiên Chúa, và máng cỏ Chúa giáng trần, về vẻ đẹp siêu phàm của nhân đức và về sự xấu xa ghê rợn của tội lỗi. Chính thánh Âutinh đã ca ngợi với lòng chan chứa cảm tình cái hạnh phúc tầy trời ấy của tuổi thơ: “Lạy Chúa, điều con biết là khi bước chân vào cuộc đời, con đã được Chúa tiếp nhận con trong tình thương, như con đã biết điều ấy nơi mẹ con, người mẹ đã ấp ủ, con sinh ra đã đọc thấy ngay trong mắt và trong lòng người mẹ đức tin trong sạch và nhân đức… Còn mẹ con, lạy Chúa, Chúa biết con được chịu phép rửa tội, để lòng con được rửa sạch trong nước tinh tuyền mà tuyên xưng đức tin Chúa đã ban cho con. Lạy Chúa, cũng chính người đã dạy con đặt Chúa trên hết mọi sự, chỉ nên nghe theo và yêu mến một mình Chúa thôi…” Nhưng buồn thay! Càng lớn lên, Âutinh càng để lộ những tính xấu. Vì quá ỷ lại vào trí khôn thông minh, Âutinh sinh ra lười biếng. Hay bị phạt, Âutinh đi đến chỗ nói dối lường gạt cha mẹ và thầy dạy. Tính lười biếng còn làm đà cho thói ham chơi, mê mải lạc thú và kiêu căng, ham danh vọng. Tắt một lời, hình như tính vô nhân đạo của ông Patriciô đã sôi lên trong người Âutinh. Dầu vậy, bà Monica không thất vọng, một phần bà tin tưởng ở sức cải hóa của ơn Chúa, mặt khác, bà cũng nhìn thấy Âutinh một vài nét tính khả quan: Âutinh yêu thích sự thật, dễ cảm, dễ yêu cha kính mẹ, và có lòng nhiệt thành. Bà muốn luôn theo sát để đề phòng cho tâm hồn giòn mỏng của Âutinh. Nhưng không ngờ một việc xảy đến khiến bà phải xa cách con: Vì quá hãnh diện về trí khôn thông minh của cậu con trai cưng, ông Patriciô quyết định gửi con tới theo học văn chương tại một trường danh tiếng ở Carthagô. Vâng lời chồng, bà Monica đưa con đi, mắt đẫm lệ và lòng đầy sầu muộn. Bà nhìn thấy trước, đây là cửa mở cho những cơn sóng tội lỗi tràn vào tâm hồn Âutinh. Thực thế, giữa thành phố hoa lệ đầy tội lỗi, và bên cạnh những bạn bè xấu nết, Âutinh dần dần đã làm quen với tội lỗi đến nỗi đâm ra chán nghe lời mẹ, muốn trốn tránh và còn nhẫn tâm khinh dể mẹ nữa là khác… Thời gian học ở đây đã lưu lại trong tâm trí Âutinh những kỷ niệm sầu khổ. Người viết: “Dù hãnh diện và kiêu căng vì trí khôn minh mẫn, và xuất sắc, nhưng tâm hồn con suy nhược dần. Lạy Chúa, hỡi ôi, lòng con tan vỡ, trống trải, con xa Chúa, con mải mê quằn quại trong bùn lầy tội lỗi…” Ngoài Chúa, ai có thể hiểu rõ nỗi đau khổ của bà Monica bấy giờ. Bà khóc tràn trụa mỗi khi cầu nguyện và xem lễ. Chính nước mắt yêu thương và trong sạch này, trước khi cảm hóa linh hồn Âutinh, đã hòa tan trong ơn Chúa để uốn nắn lòng ông Patriciô. Nhờ nhân đức của bà, ông dần dần trở nên hiền lành và nhu mì hơn; ông đã trở về với Chúa và đón nhận cái chết thánh thiện năm 371. Một mình ở lại với các con, bà Monica càng cố gắng chu toàn sứ mệnh giáo dục con cái. Bà dọn nhà đến ở gần Âutinh. Nơi đây bà luôn sống vui vẻ, dịu hiền với mọi người. Bà thương người nghèo khổ, thông cảm với bệnh nhân. Những lúc lòng nặng buồn hay mệt mỏi, bà chạy đến tìm mạch suối yêu đương nơi Thánh Thể Chúa. Năm 372, Âutinh nổi tiếng thông thái và được mọi người mến phục. Nghe biết Âutinh, nhiều bà mẹ thèm ước đến ghen tương số phận của bà Monica. Họ có lý, nhưng họ lại không nhìn thấy rõ nỗi khổ đau của bà Monica, người mẹ đã hao mòn vì thấy con mỗi ngày một rơi sâu vào hố tội lỗi. Còn gì khổ cực cho bà hơn khi nghe biết Âutinh đã phản bội đức tin, đi theo bè rối Manikêô. Lòng dội lên vì bực tức và vì yêu con, bà cương quyết đuổi Âutinh ra khỏi nhà. Nhưng rồi tình mẫu tử khiến bà không thể cầm lòng nhìn con ra đi để sa xuống vực thẳm tội lỗi. Lập tức bà lại ra đi tìm đến nơi Âutinh ở. Bà cầu xin Chúa mau hoán cải con bà chóng trở về với đức tin! Chúa đã nhận lời và báo cho bà trong giấc chiêm bao, mà sau này thánh Âutinh đã kể lại: “Mẹ tôi đứng trên bậc cao, trong lúc đau khổ, người nhìn thấy một thanh niên chói sáng đến cùng người, và hỏi tại sao lại khóc? Người trả lời rằng: “Tôi khóc linh hồn con tôi”. Người thanh niên xinh đẹp đó trả lời: “Ồ, bà đừng buồn nữa, hãy trông đứa con bà, bà ở đâu thì nó ở đó”… Tỉnh dậy bà Monica cảm động chạy đến tìm Âutinh kể lại cho con mộng đẹp đẽ ấy. Vốn sẵn lòng tự ái và kiêu căng, Âutinh không tin lời mẹ, nhưng rồi cũng ngoan ngoãn theo mẹ về nhà. Tin vào tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa, bà Monica càng kiên tâm cầu nguyện và hoạt động. Một ngày kia nghe tin có Đức Giám mục vừa tới Thagastê, bà đem nỗi niềm trình bày với vị chúa chiên và xin người khuyên nhủ Âutinh trở lại. Câu truyện kéo dài trong nước mắt. Cuối cùng vị Giám mục thành thực nói với bà: “Được, bà cứ yên lòng, không lẽ nào với nước mắt của một người mẹ mà đứa con lại hư mất! Bà cứ chờ đợi và cầu nguyện, có ngày nó sẽ trở lại với Chúa”. Được ít lâu, Âutinh buồn rầu bỏ Thagastê, sau cái chết của một người bạn chí thân, về Carthagô ở. Chính ở đây, nước mắt của bà Monica đã có công hiệu là cảm hóa được tâm hồn trụy lạc của Âutinh. Sau mười năm trời mê theo, nay Âutinh nhất quyết từ bỏ bè rối Manikêô. Nhưng rồi dĩ vãng cũ một đời phóng túng lại thức tỉnh khiến một ngày kia, Âutinh muốn kín đáo trốn mẹ trẩy sang Rôma! Biết ý định của con, bà Monica khóc lóc năn nỉ đòi theo Âutinh. Nhưng người thanh niên ấy đã nhẫn tâm đánh lừa mẹ và trốn đi. Như điên cuồng, bà Monica vội đáp tàu đi Rôma. Qua mấy ngày vượt trùng dương thấm mệt, bà tới nơi và gặp lại được Âutinh. Đã đến lúc Âutinh bị Chúa đầy đọa. Ở Rôma, ngài thấy mình khổ hơn mọi lúc. Cùng với cơn bệnh sốt rét đang phá hoại sinh lực, tâm hồn Âutinh nặng chĩu những hình ảnh tội lỗi, những nỗi niềm đắng cay. Lòng thống hối và thất vọng, đến nỗi sau này nhớ lại thánh nhân đã phải kêu lên: “Lạy Chúa con sẽ đi đâu nếu con chết trong giờ này?”. Cơn bệnh qua, sức khỏe trở lại, Âutinh từ biệt Rôma đi thành Milanô. Không thể sống xa con, bà Monica theo con từng bước với hai dòng lệ đằm đìa thương yêu. Thấy con còn yếu gầy vì cơn bệnh mới qua, bà Monica tìm nhiều dịp yên ủi và trấn tỉnh con. Chính trong một buổi nói truyện thân mật, Âutinh đã báo cho mẹ một tin mừng: “Thưa mẹ, con đã bỏ không theo bè rối nữa”. Niềm vui hiện lên nét mặt bà Monica ngày đêm cảm ơn Chúa và cầu nguyện nhiều cho Âutinh mau trở về với Chúa thực. Nhưng bởi đâu có sự thay đổi nhanh chóng đến thế? Chính Chúa đã dùng thánh Giám mục Ambrosiô giúp Âutinh trở lại. Theo lời tường thuật của Âutinh thì vừa tới Milanô, ngài đã đến gặp Đức Giám mục Ambrôsiô. Đức Giám mục tiếp nhận ngài với cả tâm tình của một chúa chiên hiền hậu, một bậc thầy lỗi lạc, một người cha đầy tình thương. Chính tâm tình cao cả của Đức Giám mục trong hai năm đã ấp ủ và đem tia sáng “Mặt trời chân lý” đến cho tâm hồn Âutinh. Ngài cảm thấy rõ tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Và còn biết nói gì về niềm hoan lạc của bà Monica khi biết hồng ân Thiên Chúa đang đổ xuống lòng Âutinh qua tay thánh Giám mục Ambrôsiô! Âutinh như con thuyền đang căng buồm về với Thiên Chúa, nhờ dòng sông là nước mắt của bà mẹ. Chúa như đã xếp đặt mọi hoàn cảnh để đưa Âutinh về với Người. Sau khi tìm được một căn nhà yên tĩnh, có vườn rộng và nhiều cây cao ngả bóng, hai mẹ con bà Monica cùng về ở đó. Chính ở nơi đây, Âutinh đã chịu đựng, cầm cự và chiến đấu nhiều cơn bão tố của tâm hồn. Âutinh căm thù với chính mình, muốn bay bổng lên cùng Chúa, nhưng còn bị những dây tình dục xưa trói buộc. Một ngày kia, khi đang đi dạo trong vườn, lòng cay đắng, mắt tràn lệ, Âutinh ngước lên trời cầu cứu… Bỗng tiếng hát như từ nhà bên vọng sang đem đến cho Âutinh một niềm phấn khởi: “Hãy cầm lấy và đọc, hãy cầm lấy và đọc”. Không trì hoãn, Âutinh vào lấy sách thư thánh Phaolô mở ra đọc và thấy ngay dòng này: “Đừng sống theo tình dục và lạc thú dâm ô nữa, nhưng hãy mặc lấy Chúa Kitô”. Lòng Âutinh thanh thoát, sáng lên như một buổi chiều hè vừa qua cơn giông. Ngài hân hoan chạy về báo cho mẹ biết sự việc xảy ra. Niềm vui tràn đầy ánh mắt, bà Monica mừng rỡ dâng lời cảm tạ Chúa. Như một bông hoa vừa nở dưới ánh trời xuân, Âutinh cảm thấy phấn khởi để dấn bước trên đường cải thiện. Bà Monica vui sướng nhìn đến ngây ngất, bà âu yếm dẫn con tiến mau trên con đường đầy ánh sáng và tình yêu. Bà Monica giúp con tĩnh tâm đợi ngày chịu phép thánh tẩy. Yên ủi cho bà hơn nữa, mấy thanh niên cùng chí hướng với Âutinh cũng đến xin ở để dọn lòng đón nhận đức tin. Lúc ấy, bà Monica là linh hồn của gia đình, là hiện thân của lòng từ bi Thiên Chúa… Đêm thánh Phục sinh năm 364, bà Monica dẫn Âutinh và mấy người thanh niên đến nhà thờ. Niềm vui hiện rõ trên nét mặt, bà vận chiếc áo dài trắng theo kiểu các quả phụ công giáo bấy giờ. Đức Giám mục Ambrôsiô vui mừng ban phép rửa tội cho Âutinh và các bạn của ngài. Người ta mặc cho thánh nhân chiếc áo dài trắng chỉ sự tái sinh. Với chiếc áo này, Âutinh cầm cây nến sáng tiến lên bàn thánh rước Chúa vào lòng. Tự đáy lòng bà Monica vang lên một niềm vui khôn tả! Bà quỳ gối đăm chiêu nhìn Chúa như để trút cho Người tất cả lòng yêu mến và lời cảm tạ biết ơn. Bà cũng không quên được hình ảnh quê hương đất tổ. Bà muốn cùng con trở về Thagastê. Và năm 385, hai mẹ con lên đường về tới Ostia. Ở đây bà định đáp tàu về Phi châu, nhưng ý Chúa không muốn. Buổi sáng trước khi xuống tàu, sau giờ lễ về, bà như xuất thần, ngất đi và bất tỉnh. Người ta nghe bà kêu: “Hãy bay về trời”. Rồi mặt bà biến sắc, miệng thầm thì đọc lời thánh vương Đavít: “Lòng tôi và cả thân tôi vui mừng trong Chúa, Đấng cứu chuộc tôi”. Mấy hôm sau, bà Monica tỉnh lại nhưng sức cứ yếu dần… và năm hôm sau cơn bệnh lại trở lại. Thấy sức mẹ mỗi ngày một yếu mòn, Âutinh buồn rầu đến xé lòng. Lúc này ngài cảm thấy thương mẹ hơn lúc nào hết. Ngài không rời xa giường của mẹ, mà luôn ngồi sát cạnh và tâm sự với mẹ. Yên ủi con, bà Monica nhắn nhủ: “Con yêu của mẹ, điều mẹ mong mỏi hơn cả là thấy con trở lại. Điều đó Chúa đã ban cho mẹ rồi. Vậy mẹ còn sống làm gì nữa. Và đây là điều mẹ xin con, là dù ở đâu, con hãy nhớ đến mẹ khi con ở trên bàn thánh Chúa… “ Chín ngày nằm liệt giường bệnh là chín ngày bà Monica ôm chặt cây thánh giá trên ngực. Bà say sưa nhìn ngắm cho đến phút cuối cùng của đời sống, lúc mắt bà sáng lên ngước nhìn lên trời mỉm cười và trút linh hồn về với Thiên Chúa. Bà thọ chẵn 65 tuổi. Được tin bà qua đời, đoàn lũ giáo dân đến viếng xác. Họ kính bà như một vị thánh. Riêng Âutinh, ai có thể tả được tâm hồn ngài lúc này? Mất mẹ, một người mẹ đã 30 năm đau khổ vì thương con, tâm hồn tan nát, Âutinh không cầm nổi xúc động. Âutinh để mặc dòng lệ tuôn rơi bù lại phần nào nước mắt của mẹ xưa. Và cho đến chết Âutinh hằng giữ chặt hình ảnh mẹ không khi nào quên. Người ta cất xác thánh nữ tại Ostia. Đến năm 1430, Đức Giáo Hoàng Martinô V truyền đem về nhà thờ thánh Âutinh tại Rôma và truyền kính lễ người hằng năm. Đời sống thánh nữ Monica quả là một gương sáng ngời cho các bà mẹ công giáo noi theo. |