Hạnh Các Thánh


Ngày 01 tháng 5

THÁNH GIUSE LAO ĐỘNG

Với một tâm hồn vô cùng rạo rực và thánh thiện, ngày 19-3, toàn thể giáo hữu đã mừng lễ thánh Giuse bổn mạng chung của cả Giáo hội. Ngày hôm nay cùng với một niềm hân hoan vô bờ bến, chúng ta mừng lễ Thánh Giuse Thợ, Bổn mạng của toàn thể lao công công giáo thế giới. Nhân ngày lễ hôm nay, Giáo hội mời gọi con cái Người nên thành thực và khiêm tốn chiêm ngắm thánh Giuse, một mẫu gương lao công cực kỳ chân chính và sống động của giới cần lao.

Phóng tầm mắt về căn hộ nhỏ hẹp ở Nazarét xưởng thợ của Thánh Giuse, chúng ta như còn thấy đang sống một cách êm vui, nhưng không phải không vất vả và hăm hở của một gia đình thợ gồm có một chồng, một vợ và một con trai. Tuy mỗi người một việc, nhưng hình như bao công việc nặng nề vất vả, bao nỗi lo âu, bao điều chỉ bảo đều quàng vào người cha đứng đầu xưởng. Với tuổi tác dần nặng lên đôi vai, người cha này vẫn nhanh nhẹn, luôn tay luôn chân cưa, bào, xẻ, đục hầu như không biết mệt là gì. Hẳn việc làm trong niềm tin vào Thiên Chúa, cùng với Thiên Chúa, cho Thiên Chúa, và vì Thiên Chúa, đã làm say mê người thợ như lời trong thánh thư của lễ hôm nay: “Hễ anh em làm việc gì hãy hết lòng mà làm như làm cho Chúa, chứ không phải cho người ta; vì biết rằng anh em sẽ được Chúa ban phần thưởng làm sản nghiệp. Anh em hãy phục vụ Chúa Kitô, Chúa chúng ta” (Cl. 3, 23-24).

Tất cả hàng xóm láng giềng ở Nazarét, vì thấy gia đình ông thợ Giuse chăm chỉ, thành thực và tốt bụng nên ai nấy đều yêu mến. Nhưng không một ai trong họ có thể nhận chân được giá trị về vai trò của gia đình thợ này. Cũng nghèo nàn như bao gia đình khác mà còn nghèo hơn nữa, cũng lam lũ như bất cứ gia đình nào, nên dầu vẫn được dân làng yêu mến đấy, nhưng vẫn bị xếp vào hạng vô danh như bao gia đình thợ vô danh khác. Ngay cho đến khi danh tiếng Chúa Giêsu đã vang dâïy như cồn khắp nơi người đồng hương Nazarét vẫn còn giữ thái độ coi thường như xưa: “Bởi đâu mà người này được khôn ngoan và quyền phép như thế? Ông ta há chẳng phải là con bác thợ mộc hay sao?” (Mt 13,54b-55a).

Đúng thế! Không ai ngờ rằng bác thợ mộc Giuse này hiện tại đã được Thiên Chúa chọn và ủy thác cho một sứ mệnh vô cùng quan trọng: Làm cha Đồng Trinh Con Một Thiên Chúa và Bạn cực sạch của Mẹ Thiên Chúa, Người mà sau này sẽ được muôn đời ca tụng.

Chính trong chỗ nhỏ hẹp hèn mọn mà Thiên Chúa đã đoái thương đến, chính vì cần cù công chính, ngay thực và đơn sơ mà một người thợ vô danh đã được Thiên Chúa dùng để làm những việc lớn lao: cộng tác vào việc thực hiện chương trình cứu rỗi nhân loại, thực hợp lời Phúc Âm: “Vì Chúa đã đoái nhìn phận hèn hạ tôi tớ Chúa, nên từ nay muôn đời ngợi khen tôi có phúc... Và người khiêm tốn, Ngài đặt lên cao” (Lc 1,48-52b). Cũng để ứng hợp với ý nhiệm mầu của Thiên Chúa mà ngày 01-5-1955, Đức thánh Cha Piô XII đã đặt thánh Giuse thợ làm bổn mạng toàn thể giới lao công công giáo thế giới bằng những lời lẽ vô cùng cảm động: “Chắc hẳn chúng ta phải hân hoan vì người thợ vô danh ở Nazarét, chẳng những là hiện thân cho giá trị lao động chân tay trước mặt Chúa và Giáo hội, mà còn là giám hộ mẫn tiệp của mỗi người và của gia đình các bạn lao động nữa” (Trích diễn văn 1-5-1955). Đức Thánh Cha còn nhận chân: “Không có vị giám hộ nào có đủ khả năng linh nghiệm thông truyền Phúc âm cho đời sống thợ thuyền cho bằng thánh Giuse thợ”. Cũng trong bài diễn văn thiết lập này, Đức Thánh Cha đã long trọng công nhận: “Quả vậy, không có vị bảo trợ nào quyền thế hơn được nữa để giúp các con làm cho tinh thần Phúc âm thâm nhập vào đời sống các con. Thực thế, như cha đã nói với các con là: Tự trái tim Đấng Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Thế mà tinh thần truyền thông qua các con và qua mọi người; nhưng cũng chắc chắn là không có một người lao động nào đã nhiễm được tinh thần ấy một cách hoàn toàn và sâu xa cho bằng Cha nuôi Chúa Giêsu, Đấng đã từng sống với Chúa Giêsu trong một tinh thần mật thiết và chung đụng khăng khít nhất của gia đình và của cần lao. Do đó nếu chúng con muốn được gần Chúa Kitô, Cha nhắc nhở chúng con hôm nay: “Ite ad Joseph: Hãy đến với Giuse” (St 41-55) (Trích diễn văn 1-5-55).

Chính nhờ ở những công việc tầm thường vất vả được làm với tinh thần vì Chúa, cho Chúa và trong Chúa, mà thánh Giuse đã biến sức lao động thành những giá trị bất diệt trước mặt Chúa. Làm việc là một luật của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đưa con người vào ở một vườn địa đàng để trồng và giữ vườn ấy” (St 2-15). “Trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có miếng ăn bởi đất sinh ra... ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có miếng ăn” (St 3.17,19).

Do đó, đối với Thiên Chúa thì không một sức lao động nào lại là đáng khinh miệt hay đáng nguyền rủa cả. Nếu biết lợi dụng thì chính những nỗ lực, những vất vả, những giọt mồ hôi ấy, chẳng những có sức đền tội, thánh hóa mà còn lập công đáng thưởng. Suốt đời thánh Giuse, cũng như trọn đời sống của Mẹ Thiên Chúa và trong ba mươi năm chuẩn bị của Chúa Cứu Thế, lao động vẫn là đường lối thông thường nhất, hữu hiệu nhất và được các Ngài mến chuộng nhất, để níu lấy ơn Chúa xuống và thực hiện chương trình Cứu rỗi. Chính sức lao động ấy hòa hợp trong ơn Chúa đã liên kết ba đấng trong công cuộc cứu rỗi và nối lại giây thân ái giữa Thiên Chúa và loài người: “Chúa Kitô Con Thiên Chúa hân hoan làm việc lao động chân tay. (Xướng ca 2- Kinh chiều I của lễ thánh Giuse thợ) và “Chính Chúa Kitô cũng lấy làm hãnh diện vì thấy Ngài là con một người thợ.” (Xướng Ngợi khen của kinh chiều I ngày lễ hôm nay). Cũng chính tự trong gia đình thợ này mà nguồn cứu rỗi được dự trữ để rồi mang ra phân phát cứu độ chúng sinh. Thực là một việc kỳ diệu của Thiên Chúa khiến cho nhân loại không thể lường được và càng khiến nhân loại phải cực lực ca tụng và đời đời nhận chân quyền phép của Thiên Chúa. Trong thời ấy có biết bao người tài năng có dư, uy quyền có thừa, rất dễ giúp thực hiện chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, như Hoàng đế Augustô, như Tổng trấn Philatô, như quốc vương Hêrôđê hay các biệt phái, các chức sắc trong đạo... Nếu Thiên Chúa gửi gắm Đấng Cứu Thế vào những nơi quyền quí ấy, thì người dân dễ nhận biết mấy! Nhưng không, Đức Chúa Cha đã chọn Giuse, một người thợ mộc nghèo khó, sống âm thầm trong một xưởng mộc nhỏ bé, để gửi gắm Ngôi Hai Nhập Thể cùng với Mẹ Ngài. Chính hai bàn tay đầy chai rắn này đã được diễm phúc Chúa chọn để bồng bế Con Một Thiên Chúa và che chở cho cả Mẹ Ngài. Chính Con Thiên Chúa cũng đã khiêm tốn gọi người thợ mộc này là Cha và vui vẻ ngoan ngoãn nghe lời chỉ bảo dạy dỗ của người thợ mộc mộc mạc này: “Và chính Chúa Giêsu suốt ba mươi năm trường vẫn coi mình là con Giuse” (Xướng ca kinh chiều II và kinh mai giờ II ngày lễ hôm nay). Phải, Thiên Chúa đã chọn một người thợ làm Cha nuôi Con Thiên Chúa và làm Bạn trăm năm với Đức Mẹ. Thực là hạnh phúc thay cho giới lao động! Tất cả thần thánh đều phải làm tôi Con Thiên Chúa và Đức Mẹ Maria, duy chỉ có thánh Giuse Thợ lại được làm cha Đồng Trinh Con Thiên Chúa và làm Bạn trăm năm của Mẹ Thiên Chúa. Hãnh diện thay giới lao động!

Thể theo tôn ý Thiên Chúa Ba Ngôi đã suy tôn thánh Giuse thợ, Giáo hội của Chúa cũng đã luôn luôn suy tôn thánh Giuse: Giáo hội nhận Ngài làm Quan thầy chung của Giáo hội, đã đặt ra tháng thánh Giuse, lại tuyên xưng Ngài là Quan thầy của toàn lao công Công giáo khắp thế giới, và thiết lập lễ kính thánh Giuse thợ vào ngày 1-5 hằng năm.

Thiết lập lễ thánh Giuse thợ ngày 1-5 là đề cao một lần nữa giá trị cần lao của thánh Giuse tiêu biểu cho mọi thợ thuyền trên trần thế. Sự cần thiết phải chạy đến thánh Giuse thợ để hướng dẫn và lãnh đạo thợ thuyền trong tinh thần Phúc âm đối với hiện tình lại càng khẩn trương. Ngay từ ngày 19-3-1937, Đức Giáo hoàng Piô XI cũng đã nhận thấy sự quan trọng ấy nên đã công khai tuyên bố: “Thánh Giuse là đấng bênh vực đầy quyền thế của thợ thuyền chống với cộng sản, bọn vỗ ngực trơ trẽn tự nhận là đấu tranh cho thợ thuyền” (Thông điệp Divini Redemptoris). Ngày nay, Giáo hội đã chính thức làm phép rửa cho ngày 1-5, một ngày lễ của trần tục đã bị nhiều người lợi dụng để gây căm thù oán giận giữa loài người với nhau. Từ nay trở đi đã có thánh Giuse dùng mồ hôi lao động của mình một cách ôn hòa, cần cù và công chính, nhưng không phải là kém đấu tranh để liên kết mọi tầng lớp con người trong công bình và bác ái, trong hiểu biết và nhượng bộ lẫn nhau theo đúng tinh thần Phúc âm. Thực vậy, thịnh vượng, công bình và an hòa chân chính của trần thế chỉ được xây dựng trong tinh thần và áp dụng của Phúc âm. Đời sống công chính và lao động của thánh Giuse là hiện thân của hòa bình Phúc âm, vì thánh Giuse, như đã nói ở trên, giao tiếp mật thiết vô cùng với Chúa Giêsu, thừa hưởng tinh thần của Chúa Giêsu một cách đầy đủ và chính thống hơn cả, sẽ chuyển thông lại cho loài người tinh thần ấy một cách tinh tuyền trọn hảo hơn cả.

Múc lấy tinh thần Phúc âm về công bình, bác ái và cần lao trong ngày lễ thánh Giuse Thợ, các chiến sĩ công giáo mọi ngành, mọi tầng lớp, trong đó có cả thợ thuyền cần lao của toàn thế giới sẽ chắc chắn chu toàn một cách hữu hiệu sứ mệnh bành trướng nước Chúa, hoàn bị công cuộc giải phóng con người khỏi mọi xiềng xích áp bức cả về tinh thần lẫn vật chất. Cuộc giải phóng đó không phải đổ máu, không cần phải tiêu diệt, cũng không cần phải gây căm thù oán hận, mà chỉ cần mỗi người tận lực và nỗ lực trong phạm vi của mình, chỉ cần “tự giác nhi giác tha, kỷ lập nhi lập nhân, kỷ đạt nhi đạt nhân”. Cuộc cách mạng tự bản thân, cuộc giải phóng ấy sẽ là căn bản, là điều kiện tất yếu cho cuộc cách mạng và giải phóng toàn diện và toàn thể của nhân loại.

Người lao động hãy hãnh diện và cảm tạ Chúa vì Chúa đã chọn một người lao động như chúng ta để làm Cha Đồng Trinh Con Thiên Chúa và làm Bạn trăm năm của Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Người lao động hãy tin tưởng vào sức lao động của mình vì thánh Giuse nâng cao giá trị lao công trước mặt Thiên Chúa, và đã đánh giá con người lao động một cách rất cao trước toà Thiên Chúa và giáo hội bằng chính đời sống của Ngài. Người lao động hãy vững tin vì đã có thánh Giuse, Người cũng là thợ như chúng ta, hiểu rõ giá trị cần lao làm Quan Thầy của chúng ta, tất nhiên Ngài rất nhạy cảm và thông cảm với chúng ta trong mọi ý nguyện của đời sống con người lao động.

Lạy thánh Giuse Thợ, vị lãnh đạo của toàn thể giới lao động công giáo khắp thế giới, xin chúc phúc cho tất cả những mồ hôi nước mắt, những nỗ lực, những bàn tay đầy chai cứng, những vai chín dạn, những bộ mặt đầy phong sương, những thân hình tiều tụy đượm sắc cần lao của tất cả lao động chân tay cũng như lao động trí óc khắp thế giới, để mọi người cùng được nắm tay nhau trong tình yêu thương, kiến tạo thịnh vượng và hòa bình, đem lại hạnh phúc chân chính cho anh em loài người chúng con.

Tiếng kêu gào: “toàn thể vô sản thế giới hãy liên hiệp lại” mà bao nhiêu năm xưa chỉ thấy đượm mùi tanh của máu, đượm muôn vẻ tang tóc, chết chóc, căm thù, thì từ giờ đây chỉ là tiếng gọi đàn của tất cả lao động công giáo xiết chặt hàng ngũ dưới sự lãnh đạo của thánh Giuse, trong tình yêu thương, với tinh thần Phúc âm, cùng nhau lên đường mưu hạnh phúc chân chính cho toàn thể nhân loại cả về tinh thần lẫn vật chất. Hạnh phúc này sẽ là chân thang bắc lên chốn trường sinh cõi thọ bất diệt.