ĐI TÌM ĐƯỜNG TU ĐỨC
Mùa hè năm 1995, tôi xếp đặt để có thể qua Paris vào văn khố của
Hội Thừa Sai Paris (MEP) để tìm tòi tài liệu. Nhưng sau một thời
gian vật lộn với cái nóng mùa hè để ngồi đọc những lá thư viết
tay do các vị giám mục truyền giáo liên hệ gửi về Hội Thừa Sai
và Bộ Truyền Giáo, tôi sinh nản lòng. Vì thực ra cũng chẳng thu
lượm thêm được bao nhiêu hơn những điều đã đọc và đã biết. Tôi
mò mẫm ngó tới nhìn lui trong phòng lưu trữ di tích các Thánh Tử
Đạo. Đây là cuốn sách nguyện của thánh Đoàn Công Quí; kia là đôi
hài mỗi khi làm lễ của thánh Dũng Lạc; rồi những bộ xương thánh
để trong những hộp gắn kỹ.
Nhưng rồi mắt tôi bỗng được khai mở dần, nhận ra một điều thật
đơn giản: con mắt niềm tin là tất cả. Có con mắt này thì thấy
được phép lạ và làm được phép lạ, chẳng sách vở nào ghi chép hết
được. Đây là con đường ngắn nhất. Vì có phải đi đâu mà cần
đường. Chỉ cần mở mắt đức tin là thấy ngay được Chúa Toàn Năng
vẫn đang có mặt. Mà cũng là con đường dễ nhất, sẵn nhất. Vì
chính là con đường đơn sơ của Phúc Âm như Mẹ Maria tại
Na-da-rét. Cũng với những kinh đọc ngắn gọn, cũng với những bổn
phận của đời thường, trong gia đình, với xóm ngõ, nhưng khác là
làm với con mắt niềm tin và lòng yêu mến, biến cuộc sống thành
vườn Địa Đàng, vì nơi nào có Chúa thì đó là Thiên Đàng: Nước
Chúa ở giữa anh em.
Bỗng một ngày người tin Chúa nhận ra mình đã trúng số, giàu có
sang trọng quá. Vì mình là con của Vua Trời Đất cơ mà, còn gì
hơn được nữa. Và mình cũng được Chúa ban quyền năng làm phép lạ,
có sức biến đổi vượt thắng mọi sự bằng chính thần lực Chúa.
Không gì mà không làm được trong Chúa là sức mạnh như cảm nghiệm
của Thánh Phaolô.
Những mẩu xương để lại là bằng chứng hùng hồn nói lên niềm tin
tuyệt đối: không gì có thể tàch lìa khỏi tình yêu của Chúa.
NÊN THÁNH BẰNG ĐỜI
THƯỜNG
Đường tu đức của thánh Anrê Tường đúng là con đường ngắn nhất,
dễ nhất và sẵn nhất. Cốt tủy vẫn là con mắt đức tin khám phá ra
kho tàng đức tin, mọi nơi mọi lúc.
Thánh Anrê Tường sinh năm 1812. Cha mẹ Ngài là ông bà Đaminh
Tiên và Maria Gương. Lớn lên Ngài lập gia đình và được đông con
cái, chu toàn bổn phận giáo dục gia đình trong nếp sống bình
lặng, sống đời Công giáo đạo đức cũng thật bình lặng tại xứ Lục
Thủy, Nam Định.
Ngài bị bắt ngày 14.9.1861, lúc 50 tuổi, cùng với các ông Đaminh
Nguyện 60 tuổi, Vinh Sơn Tường 48 tuổi, Đaminh Mạo 44 tuổi và
Đaminh Nhi 40 tuổi. Trước hết các Ngài bị tra tấn và giam giữ
tại Xuân Trường, rồi bị phát lưu giam tù tại làng Bạch Cốc Vụ
Bản là làng ngoại giáo.
Theo lời khai của Đa Minh Mậu, con của Thánh Mạo là con rể của
thánh Anrê Tường, thì trong ba bốn lần đến thăm, ông đều thấy
các ngài siêng năng đọc kinh sáng tối, nhất là kinh Mân Côi,
kinh các thiên thần, ăn chay ba lần một tuần. Suốt trong chín
tháng bị giam tù, các ngài bị hành hạ rất nhiều, ban ngày bị đeo
gông nặng và đêm phải cùm chân. Trên má phải khắc chữ ”Tả Đạo”,
và bị bắt đạp ảnh bỏ đạo. Nhưng các ngài vẫn cương quyết: ”Các
quan coi chúng tôi như trẻ con sợ hãi hình khổ hơn là sợ xúc
phạm đến Thiên Chúa sao?!”
Quan thấy không thay chuyển được các ngài liền cho thi hành án
xử đem các ngài ra pháp trường chém đầu ngày 16.6.1861. Theo
nhân chứng thì trước khi bị hành hình, các ngài đã đọc kinh Ăn
năn tội, kinh Phó Dâng, và xin lý hình chém ba nhát để kính Chúa
Ba Ngôi. Xác các ngài được chôn ngay tại nơi xử, và sau này được
cải táng về làng Ngọc Cục.
MỘT VỊ THÁNH HẦU NHƯ
VÔ DANH
Ông Anrê Tường sống vào thời kỳ bắt đạo khủng khiếp nhất trong
lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Vì bị người Pháp áp đảo, Vua Tự Đức
tức giận, không làm gì được Tây thì đổ hết mọi tội lỗi lên đầu
người Công giáo và ra những sắc lệnh tàn ác có ý nhổ sạch rễ đạo
Công Giáo trong nước.
Sắc lệnh năm 1851 bắt các quan và lính Công Giáo phải bỏ đạo. Ra
hạn cho các quan một tháng, cho lính 6 tháng. Quan và lính Công
giáo không được một quyền lợi gì cả, không được thi cử và làm
việc nước. Người Công Giáo bị bắt đày lên vùng thượng du nước
độc.
Sắc lệnh năm 1859 ban hành để trả thù người Công Giáo, vì nghi
người Công giáo thông đồng với người ngoại quốc trong vụ tàu
Pháp tấn công vào cửa Đà Nẵng. Vua bắt tất cả trùm trưởng trong
nước, nhốt tất cả quan và lính Công giáo, làm sổ người Công giáo
từ 15 tuổi trở lên, phân tán Dòng Mến Thánh Giá bắt đi làm đầy
tớ trong các nhà quan.
Sắc lệnh năm 1861 độc ác nhất: phân tán mọi gia đình Công giáo,
tách rời vợ chồng, cha mẹ con cái, chia vào các làng ngoại giáo.
Cứ 5 người ngoại coi giữ một người Công giáo. Phá bình địa các
nhà thờ và cơ sở Công giáo. Ruộng đất người Công giáo và nhà xứ
thì chia cho người ngoại. Khắc tên vào má bên phải chữ ”Tả Đạo”
(nghĩa là đạo tà), và má bên trái tên huyện phủ, để không lẩn
trốn được.
Quả tình các sắc lệnh trên đã tàn phá bình địa Giáo Hội Việt
Nam. Đức Cha Liêu (Retord) đã khóc lên: ”Ôi buồn thảm thay Giáo
Hội Việt Nam. Tôi đang ngồi trên đống gạch nát của những thánh
đường như tiên tri Giêrêmia ngồi trên đống gạch vụn đền thờ
Giêrusalem.”
Bao nhiêu người chết trên miền rừng sâu nước độc không để lại
dấu tích gì. Con số 130 ngàn người tử đạo chỉ là tượng trưng.
Nguyên thời kỳ này đã có tới 400 ngàn người bị phân tán lưu đày,
35 ngàn người chết vì đạo, 115 linh mục bị xử tử, 80 tu viện Mến
Thánh Giá bị phá, 100 nữ tu Mến Thánh Giá chết vì đạo...
Như vậy, thánh Anrê Tường cũng đúng là một vị thánh tiêu biểu
cho cả trên một trăm ngàn người vô danh đã chết vì đạo. Chẳng
cần ai biết đến, chẳng cần ai viết sách ca tụng. Ngài vẫn mãi
mãi là một người nhỏ bé nhất trong danh sách các thánh được tôn
phong, nhưng kẻ nhỏ nhất trong nước Trời cũng còn lớn hơn Gioan
Tẩy Giả, như lời Chúa đã nói trước. Cũng như có biết bao cử chỉ,
biết bao tâm tình, biết bao hành động trong đời, đâu có phải
không được ghi chép ra là không có giá trị lớn lao. Một nụ cười
bao dung, một cái nhìn cảm thông, một bàn tay vỗ vễ an ủi... tất
cả đều là những tác phẩm tuyệt vời, mắc tiền hơn bất cứ tuyệt
tác nào của Michelangelo, Leonardo da Vinci, Vincent van Gogh...
Chứng từ cho Tin Vui đạo Chúa ở ngay trong cuộc sống bình lặng
thường ngày. Chứng từ của các ngài vượt trên chữ viết hay tài
liệu. Đức tin mới là cốt lõi, coi thường mọi sự, kể cả mạng sống
mình.
TIN VUI LỚN: QUÀ TẶNG QUÍ BÁU NHẤT
Vậy thì việc tôn phong các thánh đúng là một quà tặng quí báu
nhất trao cho mỗi người. Từ nay mình biết cách khai đào mỏ quí
kim đã chôn sẵn trong lòng, chỉ cần con mắt niềm tin là thấy
được như vậy. Đây đúng là con đường ngắn nhất, dễ nhất và sẵn
nhất, ai cũng có thể bước theo, ai cũng có thể nên thánh được.
Và từ nay mình bắt đầu sống giàu có, với tác phong sang trọng
được làm con của Chúa Trời Đất.
Tối nay, cầm tràng chuỗi trong tay đọc kinh với những kinh đơn
sơ nhất, mình cảm thấy đang cùng với thánh Anrê Tường và biết
bao nhiêu bậc tiên tổ đức tin, xướng lên sức mạnh của niềm tin.
Dòng kinh đọc như hơi thở qua bao đời, vẫn tiếp tục sinh động
chuyển lực cho đến hôm nay. Mình chỉ cần hòa vào dòng hơi thở đó
là nhận được tất cả sức sống làm hồi sinh tâm hồn.
Lm. Dũng Lạc
Trần Cao Tường
Trường thi tử đạo
Ngọc Cục họ lẻ xứ Lục Thủy
Ngàn giáo dân hoan hỷ Tin mừng
Lệnh vua cấm đạo bỗng dưng
Cha Quyền chánh sở lẫy lừng tiếng tăm
Cha bị bắt cả năm xử trảm
Ngàn giáo dân phân tản khắp nơi
Coi như biệt xứ suốt đời
Chủ chăn không có dân thời cách ly
Người xưng đạo nghe thì ba bảy (37 người)
Rất hào hùng quan đẩy vào tù
Hai huyện kế cận một khu
Quỳnh Côi, Vụ Bản dọa hù tấn tra
Mỗi người chúng nhốt nhà cách biệt
Gởi nhà lương để triệt đức tin
Gia đình chẳng biết lối tìm
Quan quân đem xử bặt tin xóm làng
Năm thánh (bị) chém dã man Vụ Bản
Nguyên, Mạo, Tường, hai bạn Tương, Nhi
Theo nhân chứng sử sách ghi
Các ngài bị bắt, gởi đi Xuân Tràng
Rồi sau đó chuyển sang Bạch Cốc
Huyện Vụ Bản tức tốc mang gông
Tấn tra bởi lính coi trông
Người nhà thăm viếng tốn công tốn tiền
Nếu hối lộ chúng liền cho gặp
Nhưng giáo dân vẫn đặt niềm tin
Các ngài vẫn thẳng hướng nhìn
Mân côi tràng chuỗi khắc in nguyện cầu
Quan án tỉnh yêu cầu đạp ảnh
Gọi từng người để tránh bảo nhau
Năm người nhất quyết trước sau
Ðều không đạp ảnh mặc dầu lệnh quan
Quan nổi giận liền mang chân xích
Phơi nắng hè muỗi chích đốt chơi
Tối giam ngục thất ngộp hơi
Các quan thử thách cũng thời uổng công
Tôi khẳng định quyết không chối đạo
Dù vua quan tàn bạo tới đâu
Tôn vinh Thiên Chúa nhiệm mầu
Lệnh vua quan xử chém đầu chúng tôi
Tới pháp trường ba hồi chiêng trống
Cả ba người trầm bổng đọc kinh
Phía sau đứng sẵn lý hình
Mỗi người ba nhát thình lình đầu rơi
Lấy xác chôn ngay nơi đâu chỗ chém
Sau lệnh ra, trọn vẹn đem về
Là nơi Ngọc Cục làng quê
Ngàn thu an nghỉ, hồn về Nước Cha
Thánh Phêrô Ða đã bị chôn sống
Ít mấy ai bị giống như ngài
Mười tháng giam giữ khổ sai
Bắt ông quá khóa quan cai đầu hàng
Ông cương quyết sẵn sàng chịu chết
Giữ đạo trời liên kết trung thành
Khiến quan tức giận đổi nhanh
Cho đem thiêu sống trở thành tro than
Chưa ai xử dã man thiêu sống
Ném người vào giữa đống lửa hồng
Tử đạo đặc biệt có ông
Xác thành tro bụi lại không mộ phần
Hai ông nữa bạn thân Trinh, Mọi
Bị bắt vì chống chọi lệnh quan
Giáo dân cuộc sống lầm than
Tôn thờ Thiên Chúa chẳng màng lợi danh
Quan án trên tỉnh thành dụ dỗ
Bắt các ông tuyên bố một câu
Từ bỏ đạo Chúa phép mầu
Gông cùm tháo gỡ ngõ hầu được tha
Hai ông Tịnh, Mọi thà chịu chết
Không khi nào đoan kết trái sai
Tôn vinh danh Chúa thiên đài
Xin quan huyện xử chẳng nài chẳng than
Quan tức giận cho mang xử trảm
Tại pháp trường tuyên án hai ông
Xác chôn ngay giữa cánh đồng
Về sau cải táng hai ông về vườn
Ba ông khác pháp trường trảm quyết
Ninh, Bình, Quy cũng miệt Mỹ Côi
Vùng này xử chém liên hồi
Nam Ðịnh, Vụ Bản quê tôi chiên lành
Một nhóm khác nêu danh sáu vị
Mấy bị chôn sống mấy bị thiêu
Quê hương đau khổ đủ điều
Gương sáng linh địa lãnh nhiều thiên ân
Chuyên, Trương, Uy, Vụ, gần Chiêu, Phụng
Cả sáu ông cũng đã đồng tâm
Vua quan dụ dỗ quá lầm
Ðạo đời rao giảng nhiệt tâm trung thành
Trước giờ chết vinh danh đạo Chúa
Dù bạo quyền đao búa dọa đe
Sáu ông nhất quyết không nghe
Hy sinh tử đạo chở che Mẹ hiền
Tại Nam Ðịnh quan quyền kiêng nể
Khối giáo dân không thể lung lay
Giáo hội ghi nhớ ngày này
Tôn kính chư vị, hồn bay về Trời |