Nghe tin quan Tuần
phủ đến làng, cha Đỗ Mai Năm thắt lưng, xắn quần định trà trộn
vào đám dân chúng đi làm cơm cho quan ăn. Nhưng chựa kịp ra khỏi
nhà thì quân lính đến. Khi thấy ông cụ trắng trẻo, râu dài, họ
chặn lại hỏi : "Ông là ai ?" Cha năm vui vẻ trả lời: "Tôi là
người nhà này". Ngay lúc ấy hai người tên Tỷ và Xuân được quan
thuê đi dò thám nơi ở của các đạo trưởng, trước đã giả xin làm
việc trong nhà ông Lý Mỹ, liền đến chỉ vào cha và kêu lên: "Đúng
đạo trưởng ở nhà này đây". Vẫn cũng giọng điềm tĩnh như mọi khi,
cha Năm khẳng khái trả lời : "Phải chính tôi đây".
Thế là cha bị bắt.
Bị bắt một cách bình thản như cuộc đời cha vốn bình thản. Hay có
thể nói, cha bị bắt một cách vui vẻ, tự nhiên như công việc vẫn
xảy ra thường ngày trong đời sống của cha vậy.
Giacôbê Đỗ Văn
Năm, tên trong sổ là Mai Ngũ, sinh năm 1781, tại làng Đông Biên,
Huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Cậu Ngũ vào nhà Đức Chúa Trời từ
nhỏ, sau đó học tiếng Latinh ở chủng viện Vĩnh trị, khi thành
thày giảng thì ở lại giúp chủng viện luôn. Thày Năm hiền hòa,
vui vẻ nên trẻ em rất mến và thích thày. Sau đó ít năm, thày
được đi học thêm thần học và thụ phong linh mục năm 32 tuổi. Cha
Năm đi giúp các xứ đạo đây đó, sau lại về giúp nhà trường Vĩnh
Trị khoảng năm 1830.
Từ khi vua Minh
Mạng cấm đạo toàn quốc, chủng viện bị giải tán, cha Năm phải đi
ẩn trốn ở nhà các tín hữu. Cha ở nhà ông Trùm Tôn ba năm, họ Kẻ
Nguồi, lần khác tại nhà ông Trùm Đích làng Vĩnh Trị. Trong thời
gian ẩn trú như thế, cha Năm đã sống rất hòa mình vui vẻ với mọi
người. Cha hay kể truyện cho trẻ em hoặc cùng với các chủng sinh
giúp nhổ cỏ ruộng cho chủ nhà, cha làm các việc nhỏ mọn chẳng
phiền hà bao giờ. Đặc biệt, cha yêu thương săn sóc những người
nghèo. Tất cả những gì nhận được, cha thường dành dụm cho họ.
Có người báo cáo
làng Vĩnh Trị chứa chấp đạo trưởng. Quan cho lính đến vây làng,
bắt được cha Năm cùng với ông Trùm Đích, và con rể ông là ông Lý
Mỹ. Cha bị tống giam vào ngục Nam Định.
Trước mặt quan,
khi được khuyên nhủ bỏ đạo, cha Năm khẳng khái thưa: "Tôi là đạo
trưởng làm sao dám bỏ đạo hay đạp ảnh tượng tôi tôn kính được.
Tôi vốn khuyên dạy người ta phải giữ đạo vững vàng, thà chết
không bỏ đạo thì tôi phải giữ lời tôi đã khuyên dạy kẻ khác chứ.
Nếu đạo trưởng mà không dám chịu chết vì đạo thì còn ai chịu
chết vì đạo nữa".
Sau nhiều lần
khuyên dụ, biết không làm cha đổi ý được, các quan không tra
khảo gì thêm nữa, để cho cha được dễ dàng đi lại, gặp gỡ các bạn
tù, nhờ đó cha an ủi, khuyến khích được người trong tù, ban phát
bí tích cho họ. Nhất là động viên ông Trùm Đích bị bắt cùng với
cha, ông đã luống tuổi và rất sợ hãi khổ hình, cha nói : "Nhờ ơn
Chúa giúp sức thì các khổ hình đau đớn thế nào, chúng ta cũng
chịu được". cha nhắc đến gương thánh Laurensô bị nung trên
giường sắt, mà vẫn vững tin đến cùng.
Án xử được châu
phê. Ngày 22.08 cha Giacôbê Năm cùng với ông Trùm Antôn Đích,
ông Micae Lý Mỹ được phúc tử đạo tại pháp trường Bảy Mẫu, Nam
Định. Cha Giacôbê Năm khi đó được 77 tuổi, thi hành tác vụ linh
mục được 25 năm.
Suốt cuộc đời, cha
Năm luôn sống hiền hòa, bình dị, thoải mái như cái tên Năm bình
dị. Cuộc đời thày giảng Năm đầy vui vẻ, và cuộc đời linh mục Năm
hoàn toàn giản đơn. Sự đơn giản thoải mái đó, không do hoàn cảnh
may mắn dễ dàng, không do điều kiện bên ngoài, nhưng do chính
tâm hồn tràn đầy tình yêu Thiên Chúa của cha. Cuộc đời xuề xòa
vui vẻ của cha đã tỏa trên những người xung quanh cha thứ ánh
sáng tuyệt vời của Đức Kitô, Đấng cao cả như thế, mà khi đến
trần gian đã luôn sống hiền hòa khiêm tốn, vui với trẻ thơ và
vui sống với người cùng khổ.
Trong tình huống
"dầu sôi lửa bỏng" lúc đó, chắc chắn lễ mừng ngân khánh linh mục
của cha nếu có, cũng chỉ thật âm thầm lặng lẽ. Nhưng diễn phúc
cha, vì Thiên Chúa đã đưa người tôi tớ chung tín về nước Trời.
Và khỏi phải nói, không một ngân khánh của ai trên trần gian có
thể huy hoàng, long trọng để so sánh được với lễ ngân khánh của
cha trên Thiên Quốc.
Thi hài ba vị tử
đạo được đưa về an táng tại Vĩnh Trị, dân làng kéo chuông, đốt
đuốc, đón rước cách long trọng. Sau được đưa về nhà chung ở xứ
Kẻ Sở.
Đức Lêo XIII suy
tôn Chân Phước cho cha Giacôbê Đỗ Văn Năm ngày 27.05.1900. Ngày
19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Nguồn từ Tu Viện
Đa Minh
Trường Thi Tử Đạo
Giacôbê (Ðỗ) Mai
Năm linh mục
Sinh Kỷ Sửu (1781) quê thực Ðông Biên (Thanh Hoá)
Học hành thi đỗ liên miên
Ba năm Thần học linh truyền thụ phong
Cha rao giảng giúp trong nhiều xứ
Lại còn kiêm đệ tử chủng sinh
Hăng say Cha rất nhiệt tình
Hoàn thành sứ mệnh của mình được trao
Cha đi lại ra vào Vĩnh Trị
Giả danh giúp ông Mỹ người nhà
Có người phát hiện tố Cha
Ông này đạo trưởng đúng là Mai Năm
Cha khẳng khái nói năng điềm tĩnh
Giacôbê Ðỗ, chính là ta
Quan khuyên, Cha bỏ đạo tà
Trả lời Cha nói sao mà lộng ngôn
Ông quan tỉnh vô hồn nặng xác
Kẻ u mê phản bác đạo trời
Truy lùng bắt bớ khắp nơi
Tôi là đạo trưởng rao lời giảng khuyên
Tôi khẳng định lời nguyện thà chết
Thân xác này dâng hết trọn tình
Sẵn sàng vì đạo hy sinh
Các quan xử trảm tử hình Cha Năm
Là nhân chứng thưa rằng lãnh nhận
Giữ đạo trời tiếp cận Tin mừng
Hát ca chúc tụng không ngưng
Vinh danh Thiên Chúa cửu trùng suy tôn
Rồi quỳ xuống cúi hôn mặt đất
Cùng nguyện cầu Chúa cất con về
Giã từ trần thế đam mê
Linh hồn Chúa thưởng thỏa thuê Nước Trời
Phúc tử đạo sáng ngời Mậu Tuất (1838)
Bỏ thế gian không mất linh hồn
Roma Toà Thánh suy tôn
Mùa hè Canh Tý (1900) xác hồn thăng thiên
Lời bất hủ: Trước mặt quan, khi được khuyên nhủ bỏ đạo,
cha Năm khẳng khái thưa: "Tôi là đạo trưởng làm sao dám bỏ đạo,
hay đạp ảnh tượng tôi tôn kính được. Tôi vốn khuyên người ta
phải giữ đạo vững vàng, thà chết không bỏ đạo, thì tôi phải giữ
lời tôi đã khuyên dạy kẻ khác chứ, nếu đạo trưởng mà không dám
chịu chết vì đạo thì còn ai chịu chết vì đạo nữa".
|