Di Sản Đồng Công
của Cha Đaminh Maria
Mừng
Quan Thày Dòng 15/9/2009
những tâm hồn đang và đã theo đuổi Anh Em Tu Sĩ Đồng Công, Anh Chị Em Gia Đình Tận Hiến Đồng Công và Anh Em Thân Hữu Đồng Công Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh Sáu Di Sản Đồng Công của Cha Thủ nơi tôi Không biết sau 5 năm qua đời, mộ của Cha Thủ có được cải lên hay chăng, để bắt đầu tiến trình phong thánh cho ngài, vì theo tin tức cho thấy thì ngài quả thực đã và đang sinh nhiều hoa trái lạ lùng, cho cả trong Dòng lẫn ngoài Dòng, sau khi vĩnh viễn nằm xuống như một hạt múc miến mục nát đi trong lòng đất ngày 21/6/2007? Và nếu một của ngài có thực được anh em dòng cải lên, không biết những gì tôi viết trong cuốn “Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ, CMC, Hạt Lúa Miến Mục Nát… Cho Mùa Thánh Đức Việt Nam”, ở trang 26, có trở thành hiện thực hay chăng: “Biết đâu, sau 5 năm được cải táng để bắt đầu tiến trình phong thánh cho ngài, người ta thấy được chẳng những một thân xác không hư thối, mà còn trở lại nguyên dạng, không còn dị dạng như trước khi chết nữa. Chính việc biến đổi này, nếu xẩy ra, thì thực sự là dấu chứng cụ thể chẳng những cho thấy dấu vết phục sinh của ngài mà còn cả thánh đức của ‘Cha Thánh Thủ’ nữa vậy”. Cho dù Cha Thủ có được cải mộ lên hay chăng, và thân xác của ngài có còn nguyên vẹn và trở lại nguyên dạng hay chăng, và cho dù Cha Thủ có được Giáo Hội phong thánh hay chăng, và tại sao ngài lại cả gan dám ôm mộng huấn thánh cho người Việt Nam, trong khi chính bản thân ngài chắc gì đã là thánh, mà như ngài đã thâm tín tự nhận mình là QP – Quorum Primus - “con người tội lỗi nhất” (1Tim 1:15), đối với tôi, cũng không quan trọng cho bằng chính bản thân tôi nhờ ngài đã được thật sự và hoàn toàn biến đổi. Đó mới là một phép lạ, một phép lạ về tâm hồn, có giá trị hơn bất cứ một sự lạ bề ngoài nào. Thật ra tôi đã viết về ngài liên quan tới bản thân tôi được ngài tận tình huấn thánh trong tập sách dầy 174 trang nói trên khi ngài vừa nằm xuống, những cảm nhận đã được chính Đức Cha Châu Ngọc Tri, Giám Mục Giáo Phận Đằng Nẵng, đã thành thực cho tôi biết hai lần (1 lần ở Houston Texas 8/2007 và 1 lần ở Corona California 10/2008) rằng ngài đã sử dụng để giảng cho lễ an táng Cha Thủ, vì ngài không hề biết về Cha Thủ. Ở đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến một điểm nổi bật nhất về ngài và của ngài là những gì không thể chối cãi, vì nó là một thực tại càng ngày tôi càng cảm thấy sâu xa đâm rễ hơn trong tâm hồn tôi, và mỗi ngày một thể hiện rõ ràng hơn trong cuộc đời tông đồ giáo dân của tôi. Đó là lòng tin tưởng hoàn toàn và mãnh liệt vào Chúa - Mẹ. Bởi thế, những gì tôi viết ra đây, như tôi đã minh định trong tập sách “Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ, CMC, Hạt Lúa Miến Mục Nát… Cho Mùa Thánh Đức Việt Nam”, trang 102, “Xin hãy đọc những lời chia sẻ chân tình ở những chương sau này, theo chiều hướng qui về và bắt nguồn từ Cha ‘Thánh’ Đaminh Maria Trần Đình Thủ, với nhiều chi tiết liên quan tới bản thân người viết, những chi tiết chỉ mang tính cách chứng cớ để làm sáng tỏ một Sự Thật Rạng Ngời - Veritatis Splendor về Vị Linh Hướng Thánh của tôi”. Đúng thế, nếu không có Cha Thủ, chắc chắn con người mang tên Cao Tấn Tĩnh này không thể nào tồn tại cho đến nay, về cả đời sống đạo lẫn đời, chứ chưa nói gì tới đời sống hôn nhân gia đình và hoạt động tông đồ như hiện nay. Trong thời gian 18 năm 2 tháng tu trì, từ ngày 21/6/1964 (ngày tiền định đúng 43 năm trước khi ngài qua đời), cho tới ngày 20/8/1982, tôi chỉ được trực tiếp sống với ngài có 4 năm: 2 năm (1966-1968) ở Nhà Đá, Bình Định, Qui Nhơn, như một thử sinh, tập sinh và tân khấn sinh, và 2 năm (1970-1972) ở Di Linh Lâm Đồng làm vườn (trà, cà phê, bơ, mít) ở đồn điền Thiên Mẫu trong thời gian sau khấn 3 năm và dọn mình khấn trọn. Ngoài ra, những thời gian khác, tôi sống xa ngài: 1964-1966 là thời gian đệ tử sinh; 1968-1970 phục vụ trong công việc làm bếp ở Trại Gà Thiện Chí Khu Kitô Vua Thủ Đức; 1970-1972 phục vụ trong việc dạy học, coi học và y tế ở Tiểu Chủng Viện Simon Hòa Đà Lạt; 1974-1975 phục vụ trong việc dạy học ở hai Trường Trung Học Đồng Công Lương Sơn Phan Rí và Nhà Đá Qui Nhơn; và 7 năm sau cùng, 1975-1982 ở Chi Dòng hải ngoại. Trong 18 năm 2 tháng được tu thân tích đức trong Dòng Đồng Công, nhất là 4 năm được chính vị sáng lập này đặc biệt huấn thánh cho, thú thật, khi còn ở trong Dòng, tôi không thấy thấm thía tinh thần Dòng nói chung và tinh thần của Cha Thủ nói riêng, cho tới khi tôi ngồi lại để viết tập sách “Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ, CMC, Hạt Lúa Miến Mục Nát… Cho Mùa Thánh Đức Việt Nam”, khi nghe tin ngài bị bệnh trầm trọng, có thể sắp sửa vĩnh viễn ra đi. Bấy giờ, phải, cho tới bấy giờ, trong suốt 2 tháng trời, từ Tháng Hai tới Tháng Tư 2007, thời gian thật là lắng đọng để viết về vị linh hướng duy nhất hết sức đáng yêu kính và mãi mãi tri ân cảm tạ của tôi này, thậm chí cho tới cả bây giờ nữa, tôi thấy mình quả thực đã chịu ảnh hưởng của Dòng Đông Công nói chung và của riêng Cha Thủ rất nhiều và hết sức sâu đậm, ít là 6 điều không thể chối cãi sau đây: 1) lòng tôn sùng Mẹ Maria, liên quan tới Fatima; 2) lòng tôn sùng Đức Thánh Cha, hoàn toàn gắn bó với Giáo Hội; 3) lòng tin tưởng vào Chúa - Mẹ, liên quan tới tinh thần Tận Hiến; 4) tinh thần bình dân, liên quan tới việc phục vụ không hưởng thụ; 5) việc suy gẫm Lời Chúa hằng ngày; và 6) việc lần hạt Mân Côi hằng ngày. 1- Di Sản về lòng tôn sùng Mẹ Maria liên quan tới Fatima của Cha Thủ nơi tôi Trước hết, về lòng tôn sùng Mẹ Maria liên quan tới Fatima, tôi đã không ngờ được phục vụ Phong Trào Thiếu Nhi Fatima ở Tổng Giáo Phận Los Angeles từ năm 1991. Sở dĩ tôi nói “không ngờ”, là vì sau khi ra khỏi dòng, trở về với cuộc sống trần tục, tôi chỉ muốn âm thầm sống với vợ con của mình thôi, không còn muốn hoạt động gì nữa. Thế mà cho tới nay vẫn tiếp tục ở với các em Thiếu Nhi Fatima, cho dù tuổi đời bằng hay hơn tuổi cha ông của các em, lại còn có dự tính phát triển phong trào này ở Việt Nam khi đất nước thanh bình. Chưa hết, từ năm 2007, sau khi trao lại vai trò điều hành Phong Trào Thiếu Nhi Fatima cho chính giới trẻ vào cuối năm 2005, sau 14 năm 3 tháng hết lòng dẫn dắt các em và đào luyện thành phần lãnh đạo cho các em, tôi lại được tuyển chọn phục vụ Phong Trào Tông Đồ Fatima Thế Giới Việt Nam ở Hoa Kỳ. Vấn đề ở đây là, chỉ sau khi bắt đầu phục vụ Phong Trào Tông Đồ Fatima Thế Giới Việt Nam ở Hoa Kỳ, và trong thời gian nghiên cứu biên soạn Thủ Bản cho phong trào trước năm 1985 vẫn được gọi là Phong Trào Đạo Binh Xanh này, tôi mới khám phá ra Cha Thủ chính là vị linh mục đầu tiên ở Việt Nam, (còn trước cả Cha Trinh Cát trong thập niên 1950 ở ngoài Bắc là vị linh mục khởi xướng phong trào tôn nữ vương gia đình), đã phát động việc tôn sùng Mẹ Fatima từ đầu thập niên 1940, qua việc ngài tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria ngày 3/4/1941, trước cả biến cố Đức Thánh Cha Piô XII hiến dâng cả loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ ngày 31/10/1942, và là thời điểm vị giáo hoàng tương lai Gioan Phaolô II mới đang thấm nhuần tinh thần tận hiến của Thánh Long Mộng Phố với khẩu hiệu “Totus Tuus – Tất Cả của con là của Mẹ”. Chính Cha Thủ đã truyền bá lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Fatima, như ngài cảm nhận trong cuốn Lý Tưởng Đồng Công 2, trang 138-139 như sau: "Nếu con không lầm thì ba Mệnh lệnh Fatima đã được các chiến sĩ Đồng Công tiên khởi truyền bá và hoạt động tại xứ Dương A, rồi đến xứ Liên thủy, dần dần sang xứ Trung lao, Thủy nhai, Cát phú…sau lan tràn nhiều nơi trong địa phận Bùi chu. Chính các anh em Đồng Công đã được bổ đi giúp các xứ kể trên tổ chức hoạt động truyền bá 3 Mệnh lệnh của Mẹ." Lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria của Cha Thủ còn được tỏ hiện hết sức sâu đậm và rõ ràng qua các kinh nguyện của ngài. Hình như các kinh nguyện của ngài hầu như về Mẹ Maria, liên quan tới Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Nào là Kinh Tận Hiến Cho Trái Tim Mẹ, nào là Kinh Tuần Bảy hằng ngày kính các nhân đức của Trái Tim Mẹ, nào là Kinh Dâng Nước Việt Nam cho Trái Tim Mẹ, nào là Kinh Cầu Trái Tim Mẹ, nào là Kinh Dọn Mình và Cám Ơn Rước Lễ với Trái Tim Mẹ v.v. Đấy là chưa kể một kinh chính yếu của dòng ngài và cho dòng của ngài, đó là Kinh Dâng Đoàn, hay kinh anh em dòng hằng ngày dâng nhau cho Trái Tim Mẹ và kinh dâng quyền thủ lãnh cho Mẹ nữa. Lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria của Cha Thủ nơi tôi đã âm thầm đâm rễ nơi tôi và rõ ràng trổ bông kết trái qua các hoạt động tông đồ giáo dân liên quan tới Mẹ Fatima, như Phong Trào Thiếu Nhi Fatima ở TGP/LA và Phong Trào Tông Đồ Fatima Thế Giới Việt Nam ở Hoa Kỳ. Riêng nơi Phong Trào Thiếu Nhi Fatima, một phong trào đã được thành lập từ năm 1984, năm Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hiệp cùng các vị giám mục trên thế giới hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, nhưng mãi cho đến năm 1992 mới bắt đầu “đâm rễ vươn cao” theo thời điểm thiên định của nó. Không ngờ, như Ông Nguyễn Hữu Toại và Nguyễn Văn Hoạt, hai đoàn viên Đạo Binh Xanh thuộc Tổng Giáo Phận Los Angeles, đã được Chúa Mẹ dùng để phát động phong trào giới trẻ này thế nào, tôi là người cũng được các Ngài sai đến sau đó để hoàn thành tất cả những gì cần thiết theo ý của các Ngài nơi phong trào này và cho phong trào này (như tôi sẽ chia sẻ thêm nữa trong bài này ở các đoạn 3.1 và 4.2 dưới đây). Ở đây tôi chỉ muốn nói là chính nhờ mầm mống Di Sản Đồng Công về Lòng Tôn Sùng Đức Mẹ mà tôi đã có duyên nợ đặc biệt với phong trào giới trẻ Fatima này. Trước hết, tôi đã thấy rõ và không thể nào phủ nhận được ý Chúa muốn tôi phục vụ phong trào này từ ngày tôi mừng sinh nhật 42 tuổi của tôi. Bởi thế, tôi đã gắn bó và dấn thân hết mình cho phong trào này, với bất cứ giá nào, như một phần đời bất khả thiếu của tôi. Có lần tôi đã nói với vợ của tôi rằng, “phải chăng vì anh dấn thân phục vụ giới trẻ của Chúa mà Chúa đã bù lại cho gia đình chúng ta 3 đứa con thật là tốt lành, ngoài lòng mong ước của chúng ta”. Tôi đã thực sự lấy tất cả vốn liếng sẵn có từ Đồng Công ra trang điểm cho phong trào giới trẻ đặc biệt này của Chúa Mẹ. Chính tôi đã thiết lập Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng từ năm 1992, trước khi có cả Khóa Tĩnh Huấn đầu tiên. Tôi cũng là người đặt tên cho các Đoàn bằng những ngày Lễ của Đức Mẹ. Tôi đã sử dụng câu hô “Trái Tim Mẹ Toàn Thắng” như trong Dòng sau khi chơi bóng chuyền để các em hô trước khi kết thúc một sinh hoạt. Tôi đã lập lệ than thở câu về Mẹ để kết thúc các buổi đọc kinh chung, đó là câu: “Hỡi Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Thiên Chúa”. Các em cũng đã có thói quen hát bài Dâng Ngày và Dâng Đêm cho Mẹ trong các tổ chức qua đêm, như Trại Hè Fatima, Trại Huấn Luyện và Khóa Tĩnh Huấn. Bài hát đơn sơ tôi đã sáng tác cho các em hát nhưng không ngờ làm cho các em thích thú tiếp tục hát chung cho tới nay. Có em, theo tôi biết, cũng sử dụng riêng cho bản thân mình hằng ngày nữa. Lời ca “Dâng Ngày Cho Mẹ” như sau: “Ôi Maria Rạng Đông của Mặt Trời Công Chính là Chúa Kitô. Ngày hôm nay, con xin dâng lên Mẹ: con người bé nhỏ của con, cuộc đời ngắn ngủi của con, và tình yêu thơ dại của con. Xin Trái Tim Mẹ là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Chúa muôn đời. Amen”. Lời ca “Dâng Đêm Cho Mẹ” (cùng một điệu nhạc nhưng hơi khác lời nhạc) như sau: “Ôi Maria Tình Thương Vô Biên của Thiên Chúa đối với nhân loại. Đêm hôm nay, con xin dâng lên Mẹ linh hồn bất tử của con, thân xác tro bụi của con, và sự sống mong manh của con. Xin Trái Tim Mẹ …” Chưa hết, vào ngày 31/5/1998, Lễ Mẹ Thăm Viếng cũng là Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trong thời điểm Giáo Hội hoàn vũ đang sửa soạn gần long trọng mừng 2000 Năm Chúa Kitô Giáng Sinh, tôi đã thành lập Nhóm Hiệp Sĩ Trái Tim Mẹ (HSTTM) từ Phong Trào Thiếu Nhi Fatima, và nhóm 27 tâm hồn đầu tiên này đã tuyên hứa tại Đền Thánh Mẹ Dâng Con hôm đó, với cha linh hướng là linh mục Barnabê Nguyễn Đức Kiên của dòng Đồng Công. Hoạt động chính thức của Nhóm HSTTM này là mạng điện toán toàn cầu Thời Điểm Maria www.thoidiemmaria.net từ ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2001 cho tới nay, một mạng điện toán toàn cầu chuyên về Thánh Mẫu Fatima. Ngoài ra, nhờ việc hoạt động cho hai phong trào về Fatima là Thiếu Nhi Fatima và Tông Đồ Fatima, tôi đã viết, trong 70 tác phẩm (từ 1988-2009), 16 cuốn về Fatima: 1) Trái Tim Mẹ Toàn Thắng (1992); 2) Sứ Điệp Fatima – Màng Lưới Cứu Rỗi Trong Mùa Biển Động Cuối Thời (1993); 3) Hận Thù Quyết Thắng (1996); 4) Tông Đồ Giới Trẻ (1996); 5) Fatima và Năm 2000 (1997); 6) Học Hỏi Thiếu Nhi Fatima (1997); 7) Thời Điểm Maria - Hiệp Sĩ Trái Tim Mẹ (1998); 8) Fatima - Dấu Chỉ Thời Đại (2000); 9) Fatima – Chân Trời Cứu Độ (2004); 10) Sống Thánh Chứng Nhân - Đạo Binh Dàn Trận (2006); 11) Thiếu Nhi Fatima – Đâm Rễ Vươn Cao (2005); 12) Fatima - Định Mệnh Nhân Loại (2007); 13) Tông Đồ Fatima – Trái Tim Maria (2007); 14) Hiến Chương Tnôg Đồ Fatima Thế Giới Việt Nam Ở Hoa Kỳ (2007); 15) Tôn Vinh Mẹ Fatima Thánh Du Quốc Tế (2009); và 16) Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là Tất Cả Bí Mật Fatima (2009). Căn cứ vào những nghiên cứu và suy tư liên tục của tôi về Fatima, nếu “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là Tất Cả Bí Mật Fatima”, nhan đề của cuốn sách cuối cùng trong 15 cuốn về Fatima, cũng là đề tài tôi đã chia sẻ và trình bày trong Ngày Thánh Mẫu 32, trưa Thứ Bảy 8/8/2009, thì quả thực Cha Thủ là vị linh mục hết lòng biệt tôn Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria đã nắm bắt được chính cốt lõi của Biến Cố Thánh Mẫu Fatima 1917, ở chỗ hoàn toàn đáp ứng ý của Thiên Chúa “muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Mẹ trên thế giới”, nhờ đó, như Đức Mẹ cho biết, “nhiều linh hồn được cứu rỗi và thế giới có hòa bình”. Có thể nói mà không sợ sai lầm rằng, ngoài Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ do Dòng Đồng Công chủ trương và thực hiện từ Việt Nam, Ngày Thánh Mẫu liên tục hằng năm từ năm 1978 ở trụ sở trung ương Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ, một biến cố đã trở thành của chung Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam hải ngoại, là biến cố Thánh Mẫu tiếp tục truyền thống tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria của Cha Thủ vậy. Tôi không thể nào quên được những lời Kinh kết thúc Kinh Dâng Đoàn (kinh hằng ngày anh em Đồng Công đọc ban sáng để dâng anh em Dòng cho Mẹ), một đoạn kinh gồm tóm 3 tinh thần chính của Dòng là Tận Hiến, Yêu Nhau và Bỏ Mình, 3 tinh thần làm nên linh đạo thánh của Dòng Đồng Công, nhưng lại liên kết với Trái Tim Mẹ - "cho Trái Tim Mẹ toàn thắng", như sau: "Ôi Mẹ yêu dấu! Anh em chúng con đây hết thảy là thật Giá Máu Chúa Giêsu, là tinh hoa bởi lòng Mẹ, là kết quả những đau khổ lớn lao của Trái Tim Mẹ. Xin Mẹ dìu dắt giữ gìn bênh vực xin Mẹ âu yếm yêu dấu chúng con trong Trái Tim Mẹ, cũng như xưa Mẹ đã yêu dấu và âu yếm Chúa Giêsu trong lòng Mẹ vậy. Lạy Mẹ yêu dấu ! Nhân danh phép tắc và lượng từ bi của Trái Tim Mẹ, con nài xin Mẹ làm cho hết mọi anh em chúng con được nên thánh, biết sống theo tinh thần Mẹ, hằng noi giữ Đức Vâng Lời trọn lành thánh thiện, hợp ý hợp lòng với Đấng thay mặt Chúa, với các anh em, thành một cơ binh dũng cảm, cương qua chiến đấu với hỏa ngục, phá nước Satan cho Trái Tim Mẹ toàn thắng. Xin Mẹ hãy làm cho mọi anh em con được tiêm nhiễm và hấp thụ lòng thương yêu cả thể lạ lùng của Trái Tim Mẹ, để anh em hết thảy đều hiểu biết và giữ Đức Yêu Nhau cho trọn vẹn, biết trọng Đức Yêu Nhau hơn mọi tư lợi, hằng thiết tha yêu mến nhau trong ý tưởng, lời nói, việc làm, để lôi kéo nhiều linh hồn về nhìn biết và yêu mến Mẹ, để Trái Tim Mẹ toàn thắng. Xin Mẹ chỉ vẽ soi sáng và dạy dỗ cho anh em con hết thảy biết sống theo Đức Tin và sự chân thật, nhìn biết mình hèn hạ khốn nạn, tội lỗi, vui chịu khinh chê, dày đạp, chịu dể đuôi bắt bớ, hoàn toàn phó thác và cậy trông ở Trái Tim Mẹ hằng giây phút, để chúng con được ơn bền vững đến cùng, cho Trái Tim Mẹ toàn thắng. Vì công nghiệp Chúa đã chịu chết vì chúng con. Amen". 2- Di Sản về lòng tôn sùng Đức Thánh Cha và gắn bó với Giáo Hội của Cha Thủ nơi tôi Sau nữa, về lòng tôn sùng Đức Thánh Cha, hoàn toàn gắn bó với Giáo Hội, một lòng tôn sùng được thể hiện rõ ràng nơi hai hoạt động tông đồ truyền thông của tôi, đó là chương trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống (www.tinmungsusong.org) từ ngày 17/9/2000 cho tới nay, và mạng điện toán toàn cầu Thời Điểm Maria (www.thoidiemmaria.net) từ ngày 8/12/2001 cho tới nay. Thành ngữ “Giáo Hội Hiện Thế” là do tôi đặt ra cho một trong những mục chính của cả hai hoạt động này. Tôi vẫn chủ trương và chia sẻ với nhiều người rằng một trong những yếu tố trước hết và trên hết chứng tỏ thành phần Kitô hữu “Công Giáo”, đó là lòng tôn sùng Đức Thánh Cha và gắn bó với Giáo Hội. Lòng sùng kính Mẹ Maria và Thánh Thể thì bên Giáo Hội Chính Thống cũng có, nhưng vẫn chưa đi đến chỗ hiệp nhất Kitô giáo là mối hiệp nhất được thể hiện rõ ràng nhất nơi việc công nhận quyền bính Giáo Hoàng Rôma là vị thừa kế Thánh Phêrô và đại diện Chúa Kitô trên trần gian. Từ đầu cho tới giữa năm 2008, chương trình phát thanh Tin Mừng Sự Sống có hẳn 1 mục Giáo Hội Hiện Thế ở phần 2 trong ba phần: phần đầu về Phụng Vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật hằng tuần, phần 2 về Giáo Hội Hiện Thế và phần 3 về Sống Thánh Chứng Nhân. Từ giữa năm 2008 tới nay, tuy theo chủ đề cho mỗi buổi phát thanh hằng tuần, Tin Mừng Sự Sống vẫn tiếp tục trích dẫn và căn cứ vào các giáo huấn của Giáo Hội và các Đức Thánh Cha cho các chủ đề. Mạng điện toán toàn cầu Thời Điểm Maria cũng thế. Nội dung ngay từ đầu cho tới nay đã rõ ràng có 3 phần, mà phần đầu tiên là “Tin Tưởng Giáo Hội”, rồi mới tới “Cậy Nhờ Thánh Mẫu” và “Mến Yêu Thánh Thể” (cũng như “Yêu Thương Tha Nhân” là phần mới được thêm vào từ 9/2008). Phần “Tin Tưởng Giáo Hội” bao gồm chính yếu các văn kiện của Giáo Hội và Đức Thánh Cha, cùng với mục Giáo Hội Hiện Thế liên quan tới tình hình sinh hoạt hằng ngày của Tòa Thánh và Đức Thánh Cha. Nếu không có lòng tôn sùng Đức Thánh Cha của Dòng Đồng Công và Cha Thủ tôi đã không chuyên nghiên cứu và chuyển dịch các tài liệu của Tòa Thánh và Đức Thánh Cha, nhờ đó càng hiểu biết và gắn bó với Giáo Hội hơn bao giờ hết. Tôi đã bắt đầu đọc và nghiên cứu về Giáo Hội từ năm 1973, khi tôi đang phục vụ ở Tiểu Chủng Viện Simon Hòa Đà Lạt được một năm, thời điểm cuốn Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II do Giáo Hoàng Học Viện Piô X ở Đà Lạt (gần Tiểu Chủng Viện Simon Hòa) chuyển dịch và phát hành. Tôi đã say mê đọc cuốn văn kiện này của Giáo Hội hai lần liền sau khi có được trong tay. Nhờ đó, về tâm thức của mình, tôi đã từ đó có được một cái nhìn bao rộng hơn về Giáo Hội và thế giới, theo chiều hướng của chính Giáo Hội, và về khả năng viết lách của mình, tôi phải công nhận là tôi thật sự hoàn toàn chịu ảnh hưởng lối viết văn của Công Đồng, một lối viết văn với các câu cú vừa dài giòng vừa chất chứa đầy những trích dẫn Thánh Kinh, nhưng không phải vì thế mà lại trở thành tối tăm, rối ý, trái lại, rất sâu xa và súc tích ý nghĩa, phải đọc đi đọc lại mới thấm. Tiện nói đến vấn đề đọc sách thiêng liêng, tôi cũng được giống Cha Thủ ở chỗ có hai cuốn sách ngài thích đọc, (tất nhiên ngoài cuốn Phúc Âm), tôi cũng thích đọc nữa. Đó là cuốn Thần Đô Huyền Nhiệm và cuốn Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu Chúa Giêsu Gửi Các Hồn Nhỏ. Ngài đọc hai cuốn này bằng tiếng Pháp, còn tôi đọc bằng tiếng Việt. Chính ngài đã nói đến 2 cuốn sách này trong tập Lý Tưởng Thánh Đồng Công 1 và 2, như sau: "Nhờ giảng tuần phòng (10 ngày trong năm 1942) cho các bà dòng kín Bùi chu mà Mẹ đã ban cho con một bộ sách Truyện Mẹ… Bà mẹ Dòng kín cho con dại của Mẹ mượn bộ sách Truyện Mẹ mà nay con còn đang dùng. Bà mẹ nói: Cho cha mượn đến khi nào cha không muốn dùng nữa thì cha trả. Mẹ có biết con khó nhọc vất vả tìm sách Truyện Mẹ mà chẳng gặp sách nào ra hồn. Trong năm sáu năm, con đã nài xin Mẹ cho con biết Truyện Mẹ thật đúng cơ, truyện thường thường con không đọc đâu Mẹ ạ. Thế mà mãi đến năm thứ sáu, mẹ mới ban cho con". “Má ơi, sao Má khôn ngoan kín đáo thế! Má để con trong một tình trạng chết giở, hấp hối chết, con quên hết mọi điều Má hứa. (Con vào tù với một sách Phúc âm, bộ Tân ước và một quyển Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu gửi các hồn nhỏ, Phúc âm bằng la ngữ, Thông điệp Tình yêu v v bằng pháp ngữ, là 2 thứ chữ các cán bộ làm việc với con đều không đọc được, nên họ cho con mang đi theo suốt thời kỳ giam giữ, cho đến nay con cũng còn đang giữ, dùng hằng ngày). Về cuốn Thần Đô Huyền Nhiệm, một ấn bản rất cổ, tôi bắt đầu đọc từ năm 1967 ở Mỹ Chánh Qui Nhơn, khi mượn của Anh Tuyên Đội Ba. Tôi đã đọc hết cuốn này 2 lần và cảm thấy tôi có khiêm nhượng đến đâu cũng vẫn là kiêu ngạo so với Mẹ Maria trong tác phẩm này. Còn cuốn Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu Chúa Giêsu Gửi Các Hồn Nhỏ tôi đã bắt đầu đọc từ năm 1981, trước khi xuất dòng một năm. Sau này, tôi đã đọc lại một lần nữa bằng tiếng Anh, càng đọc càng thấm, vì chẳng những thấy được linh đạo thơ ấu thiêng liêng Chúa dạy mà còn muốn hưởng ứng và đáp ứng ý định Người muốn thành lập một Đạo Binh Hồn Nhỏ cho thời đại Tình Yêu Nhân Hậu của Người, và cũng đã chuyển dịch những câu mà tôi cảm thấy thấm thía nhất để cho vào bộ sách 2 cuốn dày 918 trang, tựa đề “Tội Tràn Lan… Phúc Ngập Lụt” (1995). Ở Fatima, hình ảnh vị Chủ Chiên Tối Cao của Giáo Hội là Đức Thánh Cha đã xuất hiện ở phần thứ hai và nhất là phần ba của Bí Mật Fatima Thiếu Nhi Fatima, và đã được 3 em Thiếu Nhi Fatima là Lucia, Phanxicô và Gianxinta luôn cầu nguyện cho thế nào, hằng ngày, ngoài Kinh Tuần Bảy Kính Trái Tim Mẹ, tôi cũng vẫn tiếp tục đọc kinh Cầu Cho Đức Thánh Cha như vậy, một kinh theo tục lệ dòng được anh em tu sĩ Đồng Công đọc sau Kinh Tuần Bảy ở giờ kinh trưa. Tôi cũng áp dụng lòng tôn sùng Đức Thánh Cha nói riêng và gắn bó với Giáo Hội nói chung cho cả Phong Trào Thiếu Nhi Fatima trong thời gian tôi phục vụ nữa. Điển hình nhất là học hỏi vào các ngày Thứ Bảy Đầu Tháng 3 trong Mùa Chay Sứ Điệp Mùa Chay của ĐTC gửi chung Giáo Hội hằng năm, và nhất là học hỏi cho các Khóa Tĩnh Huấn hằng năm của TNF Sứ Điệp ĐTC gửi cho giới trẻ mỗi năm. Tôi vẫn nói với các em TNF rằng: “Theo Vị Chủ Chăn Tối Cao là Đức Giáo Hoàng, chúng ta là con chiên sẽ không bao giờ phải sợ lầm đường lạc hướng. Thiếu Nhi Fatima cần phải đâm rễ vươn cao, đâm rễ vào ơn gọi (sống hy tế đền tạ và cứu độ) và vươn cao về sứ vụ (hơn là về nhân số và địa dư), thế nhưng TNF chỉ có thể vươn cao về sứ vụ ‘Chúa Giêsu muốn dùng con’ nếu trước hết và trên hết TNF biết đâm rễ sâu vào lòng Giáo Hội”. Có thể nói rằng, chính cái đà phục vụ giới trẻ “đâm rễ” vào lòng Giáo Hội này, và kinh nghiệm phục vụ giới trẻ đã được tôi chia sẻ trong cuốn “Tông Đồ Giới Trẻ” năm 1996, lòng tôn sùng Đức Thánh Cha của tôi có được từ Dòng Đồng Công đã sinh hoa kết trái nơi 16 tác phẩm (trong 70 tác phẩm từ 1988-2009) liên quan tới chung Giáo Hội và đặc biệt là Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II, thứ tự như sau: 1) Giới Trẻ Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng - 1996 (liên quan tới Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến của ĐTCGPII); 2) Tiến Đến Ngàn Năm Thứ Ba – 1996 (bao gồm 4 văn kiện của ĐTCGPII về 3 năm thuộc giai đoạn sửa soạn gần liên quan tới từng Ngôi trong 3 Ngôi); 3) Mạch Nước Vọt Lên Sự Sống Đời Đời – 1998 (33 bài Giáo Lý của ĐTC GPII về Chúa Thánh Thần là Ngôi được Giáo Hội biệt kính trong năm 1998); 4) Là Tất Cả Trong Mọi Sự – 1998 (36 bài Giáo Lý của ĐTCGPII về Đức Chúa Cha là Ngôi được Giáo Hội biệt kính trong năm 1999); 5) Giới Trẻ Của Ngàn Năm Thứ Ba - 1999 (ĐTCGPII với Giới Trẻ: 1 Tông Thư năm 1985, 6 Huấn Dụ 1986-1995, 5 Sứ Điệp 1996-2000, 13 Vấn Đáp); 6) Mùa Xuân Gieo Tin Mừng Cứu Độ – 1999 (2 văn kiện về Truyền Giáo: Tông Huấn Truyền Bá Phúc Âm Evangelii Nuntiandi của ĐTC Phaolô VI và Thông Điệp Sứ Vụ của Đấng Cứu Chuộc Redemptoris Missio của ĐTC GPII); 7) Giáo Lý Chỉ Nam – 1999 (Chuyển Dịch và Phân Tích Học Hỏi Tông Huấn Catechesi Tradendae của ĐTCGPII về Giáo Lý Trong Thời Đại Chúng Ta); 8) Thời Điểm Hồng Ân - 2000 (Giáo Lý Mừng Đại Năm Thánh 2000 của ĐTCGPII); 9) Di Sản Hồng Ân – 2001 (33 bài Giáo Lý về Vinh Quang Chúa Ba Ngôi trong Đại Năm Thánh 2000 của ĐTCGPII); 10-11) Ý Thức Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo – 2002 (tập 1 và 2 học hỏi cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo 1992); 12) Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Sống Là Chúa Kitô … Chết Là Vinh Thắng – 2005; 13) Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Vị Giáo Hoàng Của … Cho… - 2005; 14) Nguồn Sống Thần Linh – 2005 (học hỏi Thông Điệp Thánh Thể của ĐTCGPII cho Năm Thánh Thể 2004-2005); 15) Mặt Trời Khổ Ải… Vinh Quang Oliu – 2006 (về hai vị Giáo Hoàng GPII và Biển Đức XVI); 16) Tuyển Tập Học Hỏi Thánh Phaolô Tông Đồ (28 bài giáo huấn của ĐTCBĐXVI về Thánh Phaolô trong Năm Thánh Phaolô 2008-2009). Sau đây là kinh cầu cho Đức Thánh Cha được Cha Thủ soạn cho anh em dòng ngài đọc trong giờ kinh trưa, một kinh nguyện tôi vẫn hằng ngày tiếp tục hiệp nguyện với anh em dòng. Trong kinh nguyện này, có một tước hiệu về Mẹ là tước hiệu "Mẹ là 'Mẹ Giáo Hội'", được Cha Thủ tuyên xưng về Mẹ, cho thấy ngài đã được Thánh Linh tác động ngay trước cả thời điểm Giáo Hội chính thức công bố về tước hiệu ấy. Vì khi tôi vào tu ngày 21/6/1964, cả Đệ Tử Viện lẫn chung Dòng đã đọc kinh nguyện này hằng ngày từ lâu lắm rồi. Trong khi đó, mãi cho đến ngày 21/11/1964, Lễ Mẹ Dâng Mình, khi ban hành Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội là "Lumen Gentium - Ánh Sáng Muôn Dân", trước sự hiện diện của 2156 Nghị Phụ tham dự kỳ họp 3 khóa V của Công Đồng Chung Vaticanô II , Đức Thánh Cha Phaolô VI mới chính thức tuyên xưng và công bố "Rất Thánh Maria là Mẹ Giáo Hội". "Hỡi Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, là Vua Giáo Hội, là Chúa Chiên nhất cả! Chúa đã đặt Đức Thánh Cha để tiếp tục việc cứu thế, để cầm quyền cai trị Giáo Hội, để chăn giữ đoàn chiên Chúa; con nài xin Chúa làm cho Đức Thánh Cha chúng con được nên thánh, để Người lấy gương lời nói việc làm, mà sinh ích cứu rỗi đoàn chiên Chúa đã trao phó cho Người. Hỡi Chúa Thánh Thần là Đấng cai trị gìn giữ bênh vực Giáo Hội bề trong! Con nài xin Chúa ban cho Đức Thánh Cha chúng con được đầy đủ sự khôn ngoan sáng suốt, để cai trị Giáo Hội bề ngoài, xin Chúa ban sự mạnh bạo can đảm, để Người được sức mạnh, mà bênh vực gìn giữ sự chân thật, và quyền lợi của Giáo Hội, để sinh ích cứu rỗi đoàn chiên Chúa đã phó thác cho Người. Hỡi Mẹ Đồng Trinh Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ là Nữ Vương trời đất, là Mẹ Giáo Hội, là Mẹ Chúa Giêsu! Con nài xin Mẹ lấy quyền phép cao cả Mẹ đã cài đạp hỏa ngục, mà bênh vực Đức Thánh Cha. Xin Mẹ lấy lòng thương xót Giáo Hội, mà giúp đỡ an ủi Đức Thánh Cha đang cai trị Giáo Hội. Xin Mẹ coi sóc gìn giữ và âu yếm, yêu dấu Đức Chúa Giêsu đang sống động trong Đức Thánh Cha chúng con, để Giáo Hội được vinh hiển, và sinh ích cứu rỗi đoàn chiên giáo hữu khắp hoàn cầu. Hỡi Thánh Giuse là Thủ lãnh cai quản Thánh Gia, Đấng Bảo hộ Hội Thánh! Con nài xin Thánh Cả dìu dắt, phù hộ cách riêng vị Thủ Lãnh Giáo Hội là Đức Giáo Hoàng, Cha yêu dấu của chúng con. Vì công nghiệp Chúa đã chịu chết vì chúng con. Amen". 3- Di Sản về lòng tin tưởng vào Chúa-Mẹ với tinh thần Tận Hiến của Cha Thủ nơi tôi Sau hết, về lòng tin tưởng vào Chúa và Đức Mẹ, liên quan tới tinh thần Tận Hiến, tôi phải thú nhận rằng tôi đã chịu ảnh hưởng của cá nhân Cha Thủ, qua những hành động hết sức táo bạo, đến liều lĩnh của ngài, chẳng hạn việc ngài đưa anh em dòng ra truyền giáo ở Nhà Đá Dốc Truông Bình Định Qui Nhơn là nơi đầy những nguy hiểm cho tính mạng, nơi không có một vị linh mục dòng hay triều nào dám bén mảng tới, nơi dân chúng phải sống đêm với “nẩu” ngày với lính, nơi học sinh đi tập kích thỉnh thoảng vác súng về thăm bạn bè và các thày dạy thuộc Dòng Đồng Công. Chính tôi cũng tí nữa bị chính lính quốc gia bắn chết (vì nhầm tưởng tôi và mấy anh em cùng lớp khấn bấy giờ là cộng sản) vào ngay trưa 9/9/1966, sau ngày vào nhà tập Lễ Sinh Nhật Mẹ 8/9/1966, ở trên đầu nhà thời Nhà Đá. Biến cố này cũng đã được Cha Thủ thuật lại trong cuốn Lý Tưởng Thánh Đồng Công trang 63-65. Nhưng có lẽ cái bí mật nhất liên quan tới lòng tin tưởng vào Chúa – Mẹ của Cha Thủ, cho tới nay nhiều người vẫn còn thắc mắc, kể cả tôi, đó là vấn đề sinh sống và hoạt động đầy tốn kém của cả mấy trăm anh em dòng của ngài. Ngài lấy tiền đâu ra để nuôi sống anh em và hoạt động tông đồ. Những cơ sở kinh doanh theo chủ trương tự lực mưu sinh của dòng ngài, bấy giờ, ở Việt Nam, chỉ có Trường Trung Học (cả nội trú) Đồng Công Thủ Đức, Trại Gà Thiện Chí Thủ Đức, Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ tòa soạn ở Thủ Đức, Đồn Điền Thiên Mẫu Di Linh Lâm Đồng. Thế thôi. Nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu, dù chính mình lấy công làm lời. Hai nơi được gọi là kinh doanh đúng nghĩa nhất là Trại Gà Thiện Chí và Đồn Điền Thiên Mẫu, tôi đều có mặt và góp phần, nhưng phải nói là chẳng thu nhập được là mấy, cùng lắm chỉ đủ chi tiêu cho anh em trong Dòng vậy thôi, nếu tính cả việc kinh doanh thực sự đầu tiên là Ao Cá, cũng ở Thủ Đức, trong cùng khu với Tòa Soạn Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ. Còn hai cơ sở kia, Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ và Trung Học Đồng Công Thủ Đức, có tính cách tông đồ nhiều hơn kinh doanh, lại càng thu nhập ít hơn nữa. Vậy thì Cha Thủ lấy tiền ở đâu ra để thực hiện các hoạt động tông đồ truyền giáo khác, hoàn toàn miễn phí, chẳng hạn như trường Toàn Mỹ ở khu vực truyền giáo Mỹ Chánh Qui Nhơn nghèo khổ, trường Đồng Công ở Lương Sơn Phan Rí, trường Đồng Công ở Nhà Đá Phù Mỹ Bình Định, Cư Xá Rạng Đông cho sinh viên đại học Thụ Nhân ở Đà Lạt, Nhà Hưu Dưỡng cho các cha già ở Thủ Đức v.v. Thế mà ngài vẫn làm được, chỉ hoàn toàn nhờ lòng tin tưởng vào Chúa và Đức Mẹ. Về hiện tượng Chi Dòng Đồng Công ở Hoa Kỳ, là một nhân chứng trong cuộc, tôi có thể nói rằng đó là hoa trái của lòng tin tưởng của Cha Thủ vào Chúa và Đức Mẹ. Thật vậy, Dòng Đồng Công là một hội dòng (có thể nói duy nhất ở Việt Nam) đã “xuất hành - exodus“ hay “lên đường”, (hơn là chỉ “chạy loạn” thoát thân như mọi người), nhân cơ hội quốc biến vào cuối Thánh Tư Đen 1975, với mục đích rõ ràng là “để giữ lấy dòng và để truyền giáo”, như chính nhóm anh em dòng xuất ngoại bấy giờ ở nhà nghỉ mát của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm được vị sáng lập truyền lệnh theo lời khấn phải làm. (Xin xem cùng tập sách, phần hai: “Sứ Mệnh Vượt Thoát Truyền Giáo”, trang 59-96). Bằng chứng hiển nhiên nhất cho chủ trương “lên đường” hay “xuất hành” hơn là “chạy loạn” này của anh em dòng Đồng Công là ở chỗ: họ “lên đường” hay “xuất hành” từ đầu Tháng Tư 1975, chứ không phải cuối tháng, tuy bị kẹt cho tới cuối tháng mới đi được, và số anh em dòng của họ hay “xuất hành” không phải là lẻ tẻ hay ít oi mà là đồng loạt với con số lên tới 170 cha thày cùng cộng sự viên, đông đến độ, không một gia đình nào hay giáo xứ Mỹ nào dám đứng ra bảo trợ, ngoại trừ, theo ý Đấng Quan Phòng Thần Linh hằng được Cha Thủ tin tưởng ký thác, một nhân vật lạ lùng đã dám cả gan “liều mình” đứng ra bảo trợ là Đức Cha Bernard Law, một vị giám mục trẻ đang cai quản một giáo phận nghèo bấy giờ. Riêng bản thân tôi, lòng tin tưởng nơi Cha Thủ và của Cha Thủ đã tác động tôi mạnh mẽ nhất và sâu xa nhất, không thể nào quên được và không bao giờ quên được, phải kể đến việc ngài dám tôi đi “mang chuông đánh nước người”, đó là đến phục vụ Tiểu Chủng Viện Simon Hòa Đà Lạt (1972-1974), khi Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, giám mục giáo phận Đà Lạt Lâm Đồng bấy giờ ngỏ ý xin Cha Thủ sai người đến giúp, như dòng đã làm như thế vào năm 1968-1970. Trong khi đó, tôi đang ở trong tình trạng lo cho mình còn chưa xong, ở chỗ, tôi cần phải “đáp công chuộc tội” với ngài, những tội ngài vì muốn kỹ lưỡng huấn thánh cho tôi, đã muốn tôi dứt khoát cải thiện, để tiếp tục theo đuổi Lý Tưởng Thánh của ngài và với ngài, (như tôi đã thuật lại trong tập sách trên đây, trang 136-148, chương “Cha Thủ – Linh Hướng Thánh”). Trong đời tu của mình, tôi chưa bao giờ từ chối ngài một điều gì, trái lại, còn xung phong làm bất cứ những gì ngài muốn, nhất là những việc ngài không tìm ra người, như việc làm bếp, làm vườn v.v. Thậm chí về việc làm bếp của tôi ở Trại Già Thiện Chí Thủ Đức (1968-1970), có lần ngài đã nói với một số anh em dòng của tôi rằng “Tâm Phương làm bếp quỉ cũng không ăn được”, tôi vẫn hoàn toàn tuân phục ngài, khi ngài cần đến tôi, lại bảo tôi làm bếp vào những tháng cuối cùng ở Nhà Đá Qui Nhơn 1-3/1975, khi tôi đang dạy Việt Văn đệ nhị cấp và được học sinh khen là “thày dạy siêu”. Thậm chí trong cuộc hải hành xuất ngoại, tôi vẫn còn được cắt cử phụ giúp vấn đề phục vụ ăn uống cho anh em dòng. Thế mà, khi được ngài cho biết rằng ngài muốn tôi đi phục vụ tiểu chủng viện Simon Hòa Đà Lạt, tôi đã mạnh bạo và chân thành xin ngài xét lại, vì tôi chẳng những không có khả năng là bằng cấp như một số anh em khác (nhất là một số anh em đang học ở Đại Học Thụ Nhân Đà Lạt gần ngay Tiểu Chủng Viện này), mà còn thiếu cả tư cách nữa, với những lầm lỗi đang cần phải cải sửa, chỉ sợ làm hư chuyện lớn của dòng thôi, mang tiếng cho ngài. Chính ngài cũng cho tôi biết rằng “nhiều anh em đã can anh đừng cho em đi”, nhưng ngài đã trấn an tôi ngay rằng: “Nhưng em cứ đi. Chúa Mẹ sẽ giúp em. Cứ trông cậy vào các Ngài!” Tuy nhiên, lợi dụng được ngài tin tưởng, và để sửa soạn cho một cuộc mạo hiểm, một sứ vụ đặc biệt chưa từng có trong đời tu này của mình, tôi đã xin ngài viết tất cả những gì liên quan tới đời sống bé nhỏ thơ ấu thiêng liêng mà ngài đã biết tôi vẫn thích và theo đuổi ngay từ khi còn ở đệ tử viện Đồng Công, với biệt hiệu bằng Pháp ngữ của tôi bấy giờ là “Bébé de Marie”. Quả nhiên, vì lợi ích thiêng liêng của tôi, ngài đã đáp ứng lời chân thành nài xin rất chính đáng của tôi và khẩn thiết cho tôi. Nguyên văn bản viết tay của ngài, được kết bằng hàng chữ “Di Linh ngày 8/7/1972” kèm theo chữ ký Đaminh Thủ của ngài, tôi đã để lại tất cả bút ký về linh đạo quí báu này của ngài cho Chi Dòng Đồng Công khi tôi trở lại trần gian năm 1982. Nhưng nội dung của những gì ngài viết đã được tôi sao chép lại cẩn thận và cũng đã tôi đích thân phổ biến ở hai tác phẩm: Trở Nên Như Trẻ Nhỏ” (năm 1994, trang 219-224) và “Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ, CMC, Hạt Lúa Miến Mục Nát… Cho Mùa Thánh Đức Việt Nam” (năm 2007, trang 171-174). Ngoài ra, với vai trò là người soạn dọn của, với và cho Văn Phòng Trung Ương Đạo Binh Hồn Nhỏ Việt Nam Hải Ngoại, tôi còn phổ biến những gì đáng gọi là “Luật Sống Bé Nhỏ” quí hóa này cả trong cuốn “Thủ Bản Đạo Binh Hồn Nhỏ Việt Nam Hải Ngoại” (năm 1999, trang 111-114). “Luật Sống Bé Nhỏ” Cha Thủ viết cho tôi ấy, đối với tôi, như là một lời nhắc nhở rằng muốn tin tưởng vào Chúa - Mẹ thì phải sống đơn sơ bé nhỏ “như trẻ thơ” (Mt 18:3). Sau này, khi sang Mỹ, bắt đầu tiếp tục sáng tác nhạc vào năm 1976, (bắt đầu sáng tác từ năm 1972 ở Tiểu Chủng Viện Simon Hòa Đà Lạt), nhất là bộ nhạc chủ đề Tình Ca Đời Tận Hiến 18 bài năm 1981, một loại nhạc chủ đề độc đáo đã được tác giả Bá Vũ Ly sáng tác và được thâu vào băng cassette, với tiếng hát đơn ca của Tâm Phương, (cùng với việc hợp tác của 4 em trai chơi các thứ nhạc cụ căn bản như một ban nhạc trong ca đoàn ở Oklahoma được tôi đặc trách vào mùa hè giúp xứ năm 1978 của tôi), một băng thánh ca đầu tiên chưa từng có xuất hiện ở hải ngoại không hát bởi ca đoàn hay bởi một nhóm hợp ca như từ trước tới bấy giờ, đã từng làm rung động nhiều tâm hồn giáo dân và tu trì thời bấy giờ. (Băng thánh ca chủ đề Tình Ca Đời Tận Hiến này vẫn đang được lưu giữ trên mạng điện toán toàn cầu www.tinmungsusong.org, hay trong CD “Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ - Lý Tưởng Thánh Đồng Công” đã được phổ biến vào Tháng 7/2007 cùng với tập sách “Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ, CMC, Hạt Lúa Miến Mục Nát… Cho Mùa Thánh Đức Việt Nam”). Và tôi đã bắt đầu chính thức thêm 3 mẫu tự “BVL” vào sau tên của tôi, “Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL”, từ tác phẩm thứ 12, “Trở Nên Như Trẻ Nhỏ” năm 1994. Với nhiều tác phẩm sau đó và các bài viết sau đó, trên báo chí cũng như trên mạng điện toán toàn cầu, nhiều độc giả, trong đó có cả các vị linh mục và tu sĩ, rất thắc mắc về chung bản thân tác giả và riêng 3 mẫu tự “BVL” bí mật này và đều muốn biết chân tướng của tác giả và ý nghĩa của 3 mẫu tự mật mã ấy. Điển hình gần đây nhất là dịp Ngày Thánh Mẫu 2009, có 2 vị linh mục ở Việt Nam sang Hoa Kỳ, một thuộc địa phận Nha Trang là Cha Nguyễn Thanh Vân, và một địa phận Phú Cường là Cha Trần Văn Phúc, trạc tuổi ngũ tuần, khi tôi trả lời cho các ngài (vào lần đầu gặp Cha Vân ở San Gabriel TGP/LA trong Tháng 7/2009 và Cha Phúc ở Đền Thánh Mẹ Dâng Con Corona California đầu Tháng 8/2009) về tên của tôi, các ngài hết sức ngỡ ngàng nhìn tôi, rồi tự nhiên hô lên cùng một câu giống y như nhau: “Cao Tấn Tĩnh đây à…!”. “Vâng thưa cha, con đây!” Cha Phúc đã đột xuất thân tình kéo ngay tôi ra chụp hình lưu niệm với ngài. Còn Cha Vân, tôi đã trả lời cha về 3 mẫu tự “BVL” để giải tỏa thắc mắc của ngài như sau: BVL không phải là 3 chữ tắt đã được một số cha (dịp Đại Hội Mục Vụ ở Houston Texas năm 1997) tán là “Bị Vợ La - Bỏ Vợ Lẽ “, mà là Bá Vũ Ly, và Bá Vũ Ly là âm của tiếng Latinh “Parvuli”, trong câu Chúa Giêsu vừa khuyên dụ vừa cảnh giác các tông đồ rằng: “Các con sẽ không được vào vương quốc của Thiên Chúa nếu các con không hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ - sicut parvuli”. Quả thực, sau hai năm phục vụ ở Tiểu Chủng Viện Simon Hòa Đà Lạt này, cái thành công của tôi không phải là được các tiểu chủng sinh đệ nhất cấp yêu kính và quyến luyến đến ngượng ngùng với các cha ở đó bấy giờ, nhờ tinh thần bình dân và phục vụ của Đồng Công nơi tôi. Cái thành công chính yếu nhất đối với tôi bấy giờ đó là lòng tin tưởng vào Chúa và Đức Mẹ hơn bao giờ hết nơi tôi. Vì trước đó các Ngài đã cho tôi thấy rành rành là tôi không thể nào làm được việc này, vậy thì những gì tôi làm được là do các Ngài làm nơi tôi và qua tôi, nhờ đức vâng lời của tôi đối với bề trên là Cha Thủ, và nhất là nhờ lòng tin tưởng của Cha Thủ nơi Chúa và Đức Mẹ trong trường hợp của tôi. Như thế là tôi được trực tiếp thừa hưởng lòng tin tưởng của Cha Thủ, hay nói cách khác, Cha Thủ đã sinh ra tôi nơi lòng tin tưởng vào Chúa Mẹ của ngài từ bấy giờ. Đúng thế, tôi đã được Cha Thủ tái sinh vào Ơn Gọi Nên Thánh nói chung và Lý Tưởng Thánh Đồng Công nói riêng từ đó. Để rồi, nhờ lòng tin này, cho dù tôi không còn tiếp tục theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công nữa, không còn là một Tâm Phương tu sĩ Đồng Công ngày nào nữa, tôi vẫn tiếp tục Sống Thánh Chứng Nhân qua các hoạt động tông đồ giáo dân của tôi ở ngoài đời, bằng chính lòng tin tưởng vào Chúa và Đức Mẹ liên quan tới tinh thần Tận Hiến Đồng Công mà tôi được trực tiếp hấp thụ từ Cha Thủ, điển hình nhất là nơi việc phục vụ Phong Trào Thiếu Nhi Fatima và chương trình phát thanh Tin Mừng Sự Sống là những hoạt động tôi cảm thấy được kêu gọi tới thực hiện. Phải thú thực là nhờ lòng tin tưởng vào Chúa và Mẹ Maria, tôi đã làm được những gì ngoài sức tự nhiên của tôi, nhờ đó tôi lại càng tin tưởng vào các Ngài hơn, càng được lớn lên trong đời sống thiêng liêng, càng được dồi dào sinh lực thần linh cho các hoạt động tông đồ. Đó là lý do tôi hay nói với các đồng nghiệp tông đồ của mình rằng “làm việc cho Chúa không sợ lỗ, vì chính khi làm việc của Ngài chúng ta được Ngài thánh hóa vậy!” 3.1- Lòng tin vào Chúa và Mẹ Maria nơi tôi qua Phong Trào Thiếu Nhi Fatima Trước hết, đối với Phong Trào Thiếu Nhi Fatima, quả thực nhờ lòng tin tưởng vào Chúa, liên quan tới tinh thần Tận Hiến, mà tôi đã tồn tại với các em qua một thời gian 14 năm 3 tháng (8/9/1991-8/12/2005) trực tiếp phục vụ các em. Bằng không, tự tôi đã dừng bước trong những tháng ngày đầu hết sức cực nhọc để tái thiết một phong trào được lập nên từ năm 1984 bởi một con người khác có những cái không hợp với tôi, trong số những người đi trước tôi tỏ ra muốn cản bước tiến có vẻ qua mặt họ của tôi, hay chính giới trẻ không chấp nhận tôi nữa vì tôi không hợp với họ. Thế mà sau thời gian dài như thế, các em vẫn còn muốn bầu chọn tôi để tiếp tục dìu dắt các em, cho dù các em đã đủ sức để tự lãnh đạo lấy phong trào giới trẻ của mình. Tôi còn nhớ việc đầu tiên tôi được dịp tỏ ra tin tưởng vào Chúa và Đức Mẹ, đó là việc tổ chức Khóa Tĩnh Huấn Fatima đầu tiên cho các em. Vấn đề ở đây là, theo Thủ Bản và Nội Qui mới được Đại Hội biểu quyết chấp thuận vào Tháng 10/1992, nếu ai không đi khóa tĩnh huấn hằng năm này sẽ không được tuyên hứa làm huynh trưởng, dù là các huynh trưởng đã đeo khăn trước đó. Tức là tất cả mọi huynh trưởng sinh hoạt trong phong trào cho tới lúc bấy giờ đều bị “lột khăn” và phải đeo khăn lại sau khi tham dự khóa tĩnh huấn căn bản này. Mà Khóa Tĩnh Huấn Fatima là khóa học hỏi 15 đề tài về 3 Mệnh Lệnh Fatima, mỗi mệnh lệnh 5 đề tài, rất khô khan, đến nỗi Cha Tuyên Úy Liên Đoàn của Thiếu Nhi Fatima bấy giờ đã phải lắc đầu, nhưng cuối cùng, qua những trình bày hết sức chân tình đầy hữu lý của tôi, ngài đã chẳng những bằng lòng mà còn cương quyết cùng tôi chủ trương “quí hồ tinh bất quí hồ đa”. Đến độ ngài bỏ tiền túi ra mua vé máy bay cho một Sơ Dòng Mến Thánh Giá ở New Orleans sang giảng cho các em. Thế mà, cho dù các em đã được thông báo cho biết điều kiện phải dự khóa mới được làm huynh trưởng và phải ngồi nghe 15 bài huấn đức khô khan như vậy, một khóa tĩnh huấn lại được tổ chức vào cuối tuần lễ Thanksgiving là thời gian cần nghỉ ngơi và học thi, các em vẫn tự động nộp đơn tham dự, chẳng những đợt nhất vào cuối tuần Lễ Tạ Ơn này mà còn đợt hai vào sau Giáng Sinh cùng năm 1992 nữa, với con số tham dự cả hai khóa liền này lên đến 52 em. Thú thật, thời gian hơn 1 tháng, từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 11/1992, tôi cảm thấy Phong Trào Thiếu Nhi Fatima như đang bị treo lơ lửng trên không trung bằng một sợi chỉ. Vì bấy giờ các huynh trưởng có thể tỏ ra bất mãn và rủ nhau bỏ phong trào thì sao. Mà nếu không có huynh trưởng thì kể như tiêu tan luôn phong trào mới được nhen nhúm thành hình 8 năm. Trong khi đó, nhiều trưởng xuất sắc lại gọi đến tôi tỏ ra ngần ngại tham dự, nhưng tôi không hề năn nỉ, hoàn toàn nín thở nhiều khi đến đứng tim, vì đã qua cả 10 ngày mà chẳng thấy một ai nộp đơn tham dự với tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn tin tưởng vào Chúa và Đức Mẹ, vì việc quyết định về Khóa Tĩnh Huấn này không phải bởi cá nhân tôi mà là của chung Đại Hội, và là biến cố này cũng đã được chính Cha Tuyên Úy Liên Đoàn là vị đại diện Chúa chấp nhận cùng hết mình ủng hộ nữa. Bởi thế, theo tôi, đã là việc của Chúa, Chúa sẽ làm, miễn là mình tin tưởng vào Ngài, một cách hoàn toàn và mãnh liệt. Quả vậy, Thiên Chúa đã tỏ mình ra hết sức “hiển linh” nơi hai Khóa Tĩnh Huấn đầu tiên này của Thiếu Nhi Fatima (TNF). Không phải chỉ ở chỗ con số các em tham dự, mà còn cả ở chỗ các em hào hứng nghe giảng những đề tài khô khan với tuổi trẻ của các em nữa. Đến độ, không phải chỉ người giảng không đủ giờ nói mà cả người nghe cũng không đủ giờ nghe. Nếu Khóa Tĩnh Huấn đợt nhất không hào hứng thì chắc chẳng bao giờ có đợt thứ hai ngay sau đó, vì các em về thúc giục nhau đi tham dự. Mà đợt thứ hai này do một mình tôi phụ trách cả 15 bài. Chưa hết, trong 8 năm đầu TNF chỉ có 1 ơn gọi nữ duy nhất, nhưng sau hai Khóa Tĩnh Huấn cuối năm 1992 này, các em đã có 3 ơn gọi liền, trong đó có Thày Nguyễn Tri Kỷ ở Dòng Đồng Công hiện nay. Ngoài ra, song song với Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng do Liên Đoàn tổ chức từ năm 1992, sau hai Khóa Tĩnh Huấn đầu tiên này, chính các Đoàn đã tự động bắt đầu tổ chức gặp nhau vào các ngày Thứ Bảy cuối tuần để cầu nguyện và bàn soạn sinh hoạt cuối tuần trong Đoàn. Chưa đầy 25 năm sau (1984-2008), TNF nhỏ bé và ít ỏi duy nhất ở Tổng Giáo Phận Los Angeles đã được Chúa ban cho 3 linh mục. Lòng tin tưởng vào Chúa và Mẹ Maria của tôi đã trở lên mãnh liệt hơn và sâu đậm hơn bao giờ hết qua biến cố Tĩnh Huấn cuối năm 1992 này của TNF. Thế nhưng, cuộc hành trình đức tin không phải đã lên tới tột đỉnh. Bởi thế, Thiên Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình ra cho tôi vào những lần khác sau đó nữa, điển hình nhất là qua các lần Thiếu Nhi Fatima sang Ngày Thánh Mẫu trình diễn. TNF đã sang tham dự Ngày Thánh Mẫu (NTM) lần đầu tiên vào năm 1992, trước khi có hai Khóa Tĩnh Huấn trên đây, để mừng kỷ niệm 75 năm Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, và trong NTM này, TNF đã trình diễn hoạt cảnh Fatima trên sân khấu của Hội Trường Nhà Ba Lầu, được mở đầu bằng vũ khúc Trái Tim Mẹ Toàn Thắng. Sau này, vào những năm 2003, 2005, 2007 và 2009, sở dĩ TNF sang lại, là vì, vào năm 2002, khi tôi đi gây quĩ cho chương trình phát thanh Tin Mừng Sự Sống, tôi thấy giới trẻ đến với NTM rất sớm và rất đông, nhưng hầu như họ bị lạc loài sao ấy, không phải vì không có chương trình sinh hoạt cho họ, mà vì họ đến để tìm kiếm một cái gì khác theo ý họ. Tôi cảm thấy TNF cần phải sang NTM để làm một cái gì đó cho giới trẻ này, làm tông đồ giới trẻ. Năm đầu tiên, 2003, vào ngay chiều Thứ Năm, TNF đã tổ chức một cuộc gặp gỡ chung giới trẻ ở Hội Trường Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, để chia sẻ và sinh hoạt chung với họ, rất vui và bổ ích. Tuy nhiên, hoạt động chính của TNF trong các NTM đó là trình diễn hoạt cảnh Đường Thánh Giá (2003 và 2005), hay “Cuộc Vượt Qua Của Chúa Kitô” (2007), hoặc “Thập Giá Đẫm Máu Trên Đất Việt”. Năm 2003 và 2005, TNF thực hiện từ 2 tới 3 giờ chiều, từ Lễ Đài sang Đồi Canvê. Năm 2007 và 2009 tại nguyên chính Lễ Đài, từ 4 giờ 30 tới 6 giờ chiều, trước Lễ Đại Trào Kính Các Thánh Tử Đạo vào lúc 7 giờ. Qua những cuộc diễn xuất này, tôi cũng đã phải vận dụng đến lòng tin tưởng vào Chúa và Đức Mẹ, và nhờ đó, lòng tin tưởng nơi các Ngài lại được gia tăng hơn nữa nơi tôi. Tôi đã chia sẻ kinh nghiệm hoạt động tông đồ của tôi với thành phần lãnh đạo TNF rằng: 1) Để làm điều gì, trước hết và trên hết, đừng nghĩ đến tiền bạc và phương tiện, mà là đến Thánh Ý Chúa, xem Ngài có muốn chúng ta làm điều đó hay việc đó hay chăng? 2) Nếu quả thực Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì, (dấu hiệu rõ ràng nhất là đồng biểu quyết với sự chấp thuận của Cha Tuyên Úy), chính Ngài sẽ làm việc của Ngài trong chúng ta và qua chúng ta, với những phương cách của Ngài, miễn là chúng ta cố gắng hết sức mình cộng tác với Ngài trong khả năng và thiện chí của mình! 3) Mục đích của mọi việc chúng ta làm là chu toàn Thánh Ý Chúa, bởi thế, thành công trong việc chúng ta làm là ở chỗ chúng ta có chu toàn Thánh Ý Ngài, hơn là ở chỗ được khen tặng, bởi thế chúng ta không lo gì khi bị che bai thất bại cách nào khi đã làm hết sức mình, và chúng ta cũng không tỏ ra vênh vang khi được khen tặng. Tôi đã triệt để áp dụng 3 nguyên tắc tu đức trên đây cho chính mình và nhắc nhở các em TNF trong những lần tổ chức sang NTM này. Kết quả là lần nào TNF cũng thấy rõ có những trục trặc xẩy ra, hồi hộp tới nỗi không biết có qua khỏi hay chăng, nhưng cuối cùng đã xẩy ra ngoài lòng mong ước. Chẳng hạn năm 2003, tới lúc Chúa Giêsu gần vác thập giá rồi thì thập giá bấy giờ mới đóng xong và mang từ lều ra lễ đài. Hay năm 2005, hai chặng cuối cùng ở trên Đồi Canvê bị trục trặc máy phát thanh của ban phát thanh Nhà Dòng, thế mà một vị phó tế cũng đã đến trao cho TNF 500 Mỹ kim. Năm 2007, trong cuộc tổng dượt từ 10 giờ đêm Thứ Năm tới 2 giờ sáng Thứ Sáu tại chính Lễ Đài, vì cái thang dùng để tháo xác Chúa cũng là thang cho Giuđa trèo lên cây thắt cổ tự tử bị gẫy ở màn Giuđa tập, không còn thang tập cho màn hạ xác, thế mà hôm sau màn hạ xác vẫn xẩy ra trôi chảy và vừa vặn với thời lượng trong CD. Năm 2009, thành phần lãnh đạo hầu như chia rẽ nhau về nhiều sự, nhất là về cách thức Đức Mẹ Lavang hiện ra liên quan tới Cây Đa Lá Vằng. Cho đến ngay trước khi bắt đầu giờ trình diễn, vấn đề phun khói mịt mờ cho màn Đức Mẹ hiện ra vẫn bị trục trặc vì chẳng những không đủ khói bao che chỗ Đức Mẹ hiện ra mà khói lại còn bị gió tạt sang một bên nữa. Ấy thế mà mấy phút sau đó, khi diễn thật, mọi sự xẩy ra như mộït phép lạ. Thành phần được mời cộng tác không phải TNF trước đó cũng có lời ra tiếng vào, đến độ trong cuộc tổng dượt từ 10 giờ đêm Thứ Năm đến 4 giờ 30 sáng Thứ Sáu, có vị nản chí bỏ về, nhưng ngay sau cuộc diễn xuất kết thúc tốt đẹp, đã đến ngỏ lời khen tặng TNF hết mình. Tôi đã trấn an các vị đến góp ý với tôi trong các buổi tập dượt về những gì họ cho là tập dượt lủng củng, rằng: “TNF là thế đó. Nhưng cuối cùng mọi sự cũng sẽ đâu vào đó”. Phải, tôi vẫn thấy Chúa và Đức Mẹ tỏ mình ra nơi các em TNF nhỏ bé, thiếu thốn và ít ỏi, nhưng đầy thiện chí, đoàn kết và hy sinh này. 3.2- Lòng tin vào Chúa và Mẹ Maria nơi tôi qua chương trình phát thanh Tin Mừng Sự Sống Lòng tin vào Chúa và Mẹ Maria nơi tôi được thể hiện và gia tăng qua những hoạt động với các em TNF là thế. Còn đối với chương trình phát thanh Tin Mừng Sự Sống (TMSS) thì thế nào? Nếu với TNF, nguyên tắc chính yếu để tỏ lòng tin tưởng vào Chúa là tìm hiểu Thánh Ý Chúa và thực hiện Thánh Ý Chúa bất cứ giá nào nếu quả thực là Thánh Ý Chúa, thì với TMSS, nguyên tắc tôi dùng để kêu gọi 6 anh chị em vào lúc ban đầu (cuối Tháng 8/2000), đó là làm sao để cho Chúa ở giữa thì Chúa sẽ làm việc của Ngài, tức là hãy yêu thương đoàn kết với nhau, thì Đấng đã khẳng định “ở đâu có hai hay ba người hợp lại vì danh Thày, Thày sẽ ở giữa họ” (Mt 18:20). Vấn đề tin tưởng vào Chúa với TMSS chính yếu liên quan đến việc gây quĩ. Bởi vì, hết tiền thì tất nhiên TMSS sẽ bị chấm dứt thôi. Trong những lần gây quĩ được ít, tôi đã trấn an nhóm rằng, mình kiếm được ít thì Chúa sẽ bù lại nhiều. Miễn là chúng ta đã làm hết sức mình. Thật vậy, có những năm gây quĩ bằng Quán Kỷ Vật ở NTM, theo kinh nghiệm, chúng tôi biết trước rằng cũng chẳng được bao nhiêu, mà lại rất vất vả mệt mã lẫn tốn kém cho mình. Tuy nhiên, chúng tôi không chọn đường lối kiếm tiền một cách dễ dàng là mỗi gia đình trong Nhóm bỏ tiền ra tương đương với số tiền tốn kém cho việc gây quĩ liên quan tới chuyên chở, ăn uống, nghỉ ngơi, lệ phí v.v. để đỡ vất vả mà lại có được số tiền như đi gây quĩ vậy. Cả bên TNF lẫn TMSS, nguyên tắc căn bản để tỏ ra thực sự tin vào Chúa đó là làm hết sức những gì có thể trong tầm tay xoay sở của mình. Tuy nhiên, ngay cả trong vấn đề xoay sở, cũng phải chân thật và bác ái. Nếu thực sự làm việc vì Chúa và của Chúa thì không có vấn đề quanh quéo giấu đút, chẳng hạn Ban Tổ Chức NTM không cho bán gì thì đừng bán cái ấy. Và nếu làm việc vì Chúa và của Chúa cũng không có vấn đề cạnh tranh hay ghen tị. Ai gây quĩ được nhiều thì mừng cho họ. Chỗ gây quĩ ngon hay không ngon cũng chẳng sao. Bán được nhiều hay ít cũng không thành vấn đề. Miễn là đã hết sức cố gắng bằng tất cả thiện chí ngay lành và phục vụ vô tư của mình. Việc của Chúa thì Ngài sẽ lo. Mà việc Chúa lo trên hết và trước hết là việc thánh hóa chúng ta. Tôi đã cố gắng sống đúng nguyên tắc và đường lối tu đức liên quan tới lòng chân thành và đức bác ái này. Ngoài ra, đức bác ái để Chúa có thể ở giữa còn đòi hỏi tôi phải tỏ ra rất trân trọng với các vị ân nhân của TMSS nữa. Ở chỗ, tôi coi họ là bàn tay của Chúa chìa ra trao cho tôi một số tiền nào đó, dù lớn hay nhỏ. Tôi đã bỏ giờ ra để đốt CD về các buổi phát thanh có lời tri ân cảm tạ họ, với label CD mầu sắc đẹp đẽ, ghi tên của họ đàng hoàng, kèm theo Thư (với letterhead mầu trang trọng), ghi nhận số tiền nhận được từ họ, để họ có thể khấu trừ thuế má. Và tôi tin rằng, với đức ái như thế, Thiên Chúa vẫn tiếp tục ở với TMSS cho tới nay, đúng 9 năm trời, với chương trình phát thanh hằng tuần vào giờ đắt tiền, (tối Thứ Sáu, trước 10 giờ đêm), 300 Mỹ kim nửa tiếng. Nhóm Vào Đời chủ trương và thực hiện chương trình phát thanh TMSS chúng tôi, sau gần 2 năm còn 5 và gần 6 năm còn 4 người, đã trải qua những lúc tưởng rằng mình đã hết thời. Chẳng hạn năm 2002, với hai lần gây quĩ, chứ không phải là một, một vào Tháng Hai ở Hội Chợ Xuân khu Tiểu Sài Gòn, Nam California, và một vào Tháng Tám ở NTM, chỉ kiếm được chưa đầy 2 ngàn Mỹ kim. Hay Năm 2006 và 2008, là hai năm chỉ có Quán Kỷ Vật, do vị niên trưởng một mình đứng bán, với số tiền thu về cũng chưa đầy 2 ngàn Mỹ kim mỗi năm. Năm 2007, trong quĩ chỉ còn hơn 2 Mỹ kim ngay trước khi đi gây quĩ ở NTM năm đó. Năm 2009 cũng tưởng rằng sẽ đi đến chỗ nghỉ tạm một năm phát thanh, và 3 gia đình trong Nhóm lại còn mất toi mỗi gia đình 1 ngàn Mỹ kim ứng trước để đặt cọc cho chuyến xe du khách liên bang hành hương NTM gây quĩ lần đầu tiên này nữa. Thiên Chúa đã quả thực nhúng tay vào làm việc của Ngài khi đến thời điểm của nó, nhất là vào những lúc chúng ta tưởng chừng hoàn toàn thất bại theo sức tự nhiên loài người. Tôi không thể nào kể ra từng chi tiết và tất cả những gì tôi đã thực sự thấy được tác động thần linh của Đấng Quan Phòng vô cùng khôn ngoan và thiện hảo này, một khi Ngài được chúng ta tin tưởng và theo lòng tin tưởng của chúng ta. Tôi chỉ biết rằng, qua hai hoạt động tông đồ giáo dân, Thiếu Nhi Fatima và Tin Mừng Sự Sống, tôi càng ngày càng cảm nghiệm được sự hiện diện thần linh của Ngài và tác động thần linh vô cùng huyền nhiệm nhưng cũng hết sức tỏ tường của Ngài, như chính sự hiện diện âm thầm và bất động nhưng đầy sinh động và quyền năng của Thánh Thể vậy. 4- Di Sản tinh thần bình dân liên quan tới việc phục vụ của Đồng Công nơi tôi Có thể nói và phải công nhận rằng, diện mạo của Dòng Đồng Công là tính cách bình dân phục vụ và con tim hay cốt lõi của Dòng Đồng Công là Tinh Thần Tận Hiến. Và cả diện mạo lẫn tâm can này của Dòng Đồng Công đều hết sức ăn khớp với nhau. Trước hết, tính cách bình dân phục vụ nơi vị sáng lập Dòng là Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ đã được thể hiện rất rõ ràng, qua cách sinh hoạt hằng ngày có tính cách khắc khổ của ngài: suốt đời nằm ngủ trên sàn nhà, ăn uống hết sức thanh đạm, đến nỗi không ai biết ngài thích món gì, quần áo cũng thô sơ nghèo khó. Ngài tự giặt quần áo lấy, không cho ai làm việc này của ngài và thay ngài. Ngài sống xuề xòa với hết mọi anh em, già trẻ, lớn bé, mới cũ. Thậm chí ngài còn được anh em đùa bỡn trêu chọc, miễn là đừng khen ngài trước mặt, bằng không sẽ bị ngài cho là “lộng ngôn phạm thượng”. Ai đến gần ngài cũng được, chẳng những không sợ hãi mà còn thích đến với ngài, muốn gặp ngài, muốn tỏ bày tâm hồn cùng chia sẻ tâm sự với ngài, dù có phải chờ đợi lâu mới tới phiên. Tính cách bình dân còn được thể hiện nơi những lời ngài huấn đức và giảng dạy, tuy hết sức đơn sơ chân thành nhưng lại sâu sắc và sống động, khiến người nghe cảm thấy thấm thía, không thể không suy nghĩ và nhúc nhích cuộc đời. Về tinh thần phục vụ, không ai có thể chối cãi được tấm lòng của ngài lo cho tất cả mọi anh em và từng em của ngài, chẳng những về vật chất, nhất là phần thiêng liêng của họ, chẳng những thành phần còn tu mà cả thành phần xuất tu. Việc phục vụ của ngài còn được thể hiện qua các hoạt động tông đồ và truyền giáo của Dòng, nơi người nghèo qua các trạm phát thuốc ở các trụ sở truyền giáo, như Mỹ Chánh và Nhà Đá ở Qui Nhơn, nơi giới trẻ qua các trường Đồng Công các nơi cũng như qua Cư Xá Rạng Đông Đà Lạt, nơi các vị giáo sĩ qua Nhà Hưu Dưỡng Đồng Công Thủ Đức. Hầu hết là miễn phí. Sau nữa, tính cách bình dân của chung Dòng ngài được tỏ lộ qua chủ trương “tự lực mưu sinh”, tự làm lấy cho mình, cả về vấn đề nội trợ lẫn kinh doanh, không thuê mướn ai với tư cách là chủ nhân ông. Tính cách bình dân này còn được thể hiện qua cách xưng hô “anh em” với nhau, cho dù là bề trên hay linh mục. Anh em tu sĩ Đồng Công còn sống bình dân nơi nhà cửa và việc làm chân tay, qua cách ăn mặc và dáng vẻ, kể cả về kiến thức và nhất là về kiến thức, đến nỗi, họ đã từng “được” tiếng là “quê mùa dốt nát” trước con mắt của thành phần đấng bậc, thế giá hay học thức. Về tinh thần phục vụ, tu sĩ Đồng Công đã đem tất cả những gì mình có ra chia sẻ, như thừa tác vụ linh mục là để “quản trị” trong dòng cũng như để chăm lo mục vụ cho giáo dân, hay bằng cấp là để dạy học và giáo dục giới trẻ là tương lai của Giáo Hội và xã hội. Chính vì tinh thần và chiều hướng phục vụ không hưởng thụ này mà danh xưng Hội Đồng Tổng Quản đã được đổi thành Tổng Phục Vụ. Tình thần phục vụ này đã lan cả sang tổ chức Gia Đình Tận Hiến Đồng Công, điển hình là tại Hoa Kỳ mới có (từ năm 2008) Ban Phục Vụ Trung Ương Miền Tây/Đông Hoa Kỳ. Chính vì danh xưng mới này mà mỗi lần họp bầu hay được cắt cử, những ai được tuyển chọn hay tín nhiệm cũng đều cảm thấy trách nhiệm dấn thân phục vụ hơn là danh thế quyền uy, nên cũng khó lòng từ chối. Bản thân tôi, tuy mới gia nhập Gia Đình Tận Hiến Đồng Công (2007), tôi cũng được Anh Tân Đặc Trách GĐTHĐC Louis Vũ Minh Nhiên mời điều hành Ban Phục Vụ Trung Ương Miền Tây Hoa Kỳ, một cơ cấu mới toanh ở Hoa Kỳ, và tuyên hứa dấn thân phục vụ từ ngày 14/9/2008. Trong việc dấn thân mới này, động lực sâu xa chi phối và thúc đẩy tôi chấp nhận cũng chỉ vì chính tinh thần phục vụ. Ở chỗ, “nếu chị nhận biết những ơn Thiên Chúa ban và Đấng đang xin chị … đây là ai, thì đáng lẽ chị phải xin Người mới đúng” (Jn 4:10). Thật thế, đó là tất cả ý thức tôi đã từng chia sẻ với một số anh chị em cùng phục vụ rằng “không phải là chúng ta làm việc ‘cho’ Chúa, mà là được Chúa chọn để làm việc ‘của’ Ngài, việc của một Vị Thiên Chúa. Chúng ta chỉ trả về Chúa những gì Ngài ban tặng cho chúng ta mà thôi (xem Ps 116:12; Mt 25:20-23)”. Đó là lý do tôi cũng chủ trương: “Đừng nghĩ rằng mình phải có giờ Chúa mới chọn, mà một khi Chúa chọn là mình có giờ”. Trong biến cố Truyền Tin Lời Nhập Thể, theo chiều hướng và nguyên tắc của Lời Chúa nói với người phụ nữ Samaritanô trên đây (Jn 4:10), khi biết được ý Thiên Chúa muốn mình làm Mẹ sinh ra “Con Đấng Tối Cao” (Lk 1:32), Mẹ Maria cũng không hề lấy lý bất xứng hay bất lực, như thường được loài người viện lý, để từ chối ý định vô cùng trọn hảo của Thiên Chúa Thượng Trí và Toàn Năng, mà Mẹ chỉ muốn biết cách thức để làm sao hoàn trọn ý của Ngài: “Việc ấy xẩy ra thế nào được, vì tôi không biết đến nam nhân” (Lk 1:34). Và khi biết được cách thức Chúa làm qua Thánh Thần là “Quyến Phép Đấng Tối Cao” (Lk 1:35) nơi mình, như nơi chị họ mình là Isave, Mẹ đã tuyệt đối tin tưởng và khiêm hạ thưa: “Này tôi là đầy tớ của Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi như lời ngài nói (hay) tôi xin vâng như lời ngài truyền” (Lk 1:38). Đó là lý do, trong lời tuyên hứa nhận chức của thành phần lãnh đạo Thiếu Nhi Fatima cũng như của Ban Phục Vụ GĐTHĐC Miền Tây Hoa Kỳ, tôi đã sử dụng từ ngữ “tôi tớ xin vâng” (Thiếu Nhi Fatima Cẩm Nang, trang 69). Tính cách bình dân và tinh thần phục vụ của Đồng Công được tóm gọn trong câu tâm niệm (motto) của Dòng là “Non Ministrari Sed Ministrarae” (Mt 20:28), một câu tâm niệm được biểu hiệu (logo) qua hình ảnh rửa chân (x Jn 13:5). Câu tâm niệm này chất chứa cả 3 tinh thần chính yếu của Dòng Đồng Công là Bỏ Mình, Yêu Nhau và Tận Hiến, những tinh thần làm nên Linh Đạo Đồng Công cho những ai theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công. Thật vậy, tinh thần đầu tiên là Tinh Thần Bỏ Mình (xin lưu ý, ở đây chữ được sử dụng là Bỏ Mình, bỏ Cái Tôi, chứ không phải chữ Từ Bỏ chung chung vậy thôi), một tinh thần được thể hiện ngay phần đầu của câu tâm niệm “Non Ministrari – không phải để được phục vụ”, như được chứng thực nơi chủ trương "tự lực mưu sinh" của mình.. Tinh thần tiếp theo là Tinh Thần Yêu Nhau (cả ở đây nữa, từ ngữ cố ý được sử dụng là Yêu Nhau, tức yêu anh em Dòng để làm như một dấu chứng tông đồ trung thực, như lời Chúa ở Phúc Âm Thánh Gioan 13:35, chứ không phải Yêu Thương chung chung vậy thôi), một tinh thần được thể hiện ở phần hai của câu tâm niệm “Sed Ministrarae – nhưng để phục vụ”. Chính việc anh em Dòng yêu thương nhau cũng là và chính là một việc phục vụ trên hết và trước hết, bằng không, tất cả các việc phục vụ khác của Dòng, như dạy học, phát thuốc, chăm sóc sinh viên, chăm dưỡng các cha già, tổ chức Ngày Thánh Mẫu, coi xứ v.v., theo chiều hướng so sánh của Thánh Phaolô, sẽ chỉ là “hư không” hay “phèng la não bạt ầm ĩ” vậy thôi (xem 1Cor. 13:1-3). Tinh thần thứ ba của Đồng Công cũng được bao gồm nơi câu tiệm niệm “Non Ministrare Sed Ministrarae”. Ở chỗ nào? Thật ra 4 chữ Latinh trong câu tâm niệm này chỉ là một thành ngữ vắn gọn của cả câu Chúa Giêsu nói về bản thân Người, để làm gương cho thành phần môn đệ của Người đang tranh giành nhau ngôi thứ: “Con Người đến không phải để được phục vụ mà là phục vụ và hiến mạng sống mình làm gia chuộc cho nhiều người”. Đúng thế, Tinh Thần Tận Hiến của Dòng Đồng Công là tinh thần được chất chứa nơi phần cuối cùng của câu Chúa nói: “hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người”. Câu này bề ngoài và thoạt tiên có vẻ liên quan tới Tinh Thần Yêu Nhau hơn là Tinh Thần Tận Hiến, nhưng sâu xa nó lại liên quan tới Tinh Thần Tận Hiến hơn là Tinh Thần Yêu Nhau. Ở chỗ, tác động “hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” này đã cũng được chính Chúa Giêsu minh định trong Lời Cầu Hiến Tế cuối Bữa Tiệc Ly là tác động “tự hiến cho họ để họ được thánh hóa trong chân lý” (Jn 17:19). Tức là tác động Chúa Kitô “tự hiến” cho Cha của Người vì phần rỗi của chung “nhiều người” và để Giáo Hội “được thánh hóa” (Eph 5:25). Chính tác động “tự hiến” hay “tận hiến”, tức hiến thân “cho đến cùng” (Jn 13:2) này của Người, “cho đến chết trên thập giá” (Phil 2:8) vì vâng lời Cha của Người mà nhân loại đã được cứu độ và Giáo Hội được tái sinh. Như thế, việc “tự hiến” hay “tận hiến” này của Chúa Kitô cho Cha của Người bao gồm cả việc “bỏ mình” của Người và việc “yêu nhau” của Người là Giáo Hội Nhiệm Thể Người. Theo chiều hướng “tận hiến” bao gồm “bỏ mình” và “yêu nhau” này của Chúa Kitô và nơi Chúa Kitô, quả thực Tinh Thần Tận Hiến là chính căn tính của Dòng Đồng Công, đến nỗi, sống Lý Tưởng Thánh Đồng Công là sống Tinh Thần Tận Hiến, hay ngược lại. Ai theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công, nhất là thành phần tu sĩ, mà không sống hay chưa sống trọn Tinh Thần Tận Hiến này thì có thể nói và phải nói rằng họ chưa thực sự là Con Người Đồng Công, như Đấng Sáng Lập mong muốn và theo đặc sủng chuyên biệt của Hội Dòng mình. Hiến Pháp ấn bản 2007, khoản 3 đã minh định rằng: "Mục đích riêng của Dòng ĐC là truyền bá Tin Mừng Chúa Kitô cho những người ngoài Công giáo, nhất là tại Việt Nam. Để đạt mục đích đó, Dòng chủ trương huấn luyện các linh mục, tu sĩ Dòng theo linh đạo Đồng Công thể hiện qua việc tận hiến cho Chúa Giêsu nhờ Mẹ Maria”. Có thể nói, đối với Con Người Đồng Công gương mẫu như Cha Thủ và những ai xưng mình là đàn em chân truyền của ngài thì Nên Thánh là Sống Đời Tận Hiến và càng Sống Đời Tận Hiến càng Nên Thánh vậy. Tinh Thần Tận Hiến theo Lý Tưởng Thánh Đồng Công không phải chỉ ở chỗ thực hiện các nghi thức tận hiến cho Đức Mẹ khi bắt đầu nhập Tập Viện hay cùng nhau Dâng Đoàn/Dòng cho Mẹ mỗi buổi sáng, mà còn thực sự được thể hiện rõ ràng nhất và thường xuyên nhất ở việc trọn hảo tuân phục Thánh ý Chúa qua các vị bề trên thẩm quyền. Thật thế, Tinh Thần Tận Hiến Đồng Công là ở chỗ hoàn toàn sống phó thác mọi sự cho Thiên Chúa, không lo một sự gì khác, ngoài “một điều cần duy nhất” (Lk 10:42), đó là “tìm Nước Chúa và sự công chính của Ngài trước” (Mt 6:33), còn “mọi sự khác”, kể cả thiên chức linh mục lành thánh, hay bằng cấp học lực cần thiết, hoặc khả năng hoạt động hữu hiệu, đều tùy Ngài quyết định theo sự quan phòng vô cùng khôn ngoan của Ngài cho lợi ích thiêng liêng tối đa nhất của những ai thuộc về Ngài qua ba lời khấn dòng. Sống Đời Tận Hiến như thế là tu sĩ Đồng Công nên giống Mẹ Maria nhất, Đấng mà họ đã tận hiến khi bắt đầu nhập Tập Viện và hằng ngày cùng nhau Dâng Đoàn cho Mẹ, vì Mẹ là người Tôi Tớ Xin Vâng của Chúa như lời vị đại diện Chúa là sứ thần truyền (x Lk 1:38). Tuy nhiên, Tinh Thần Tận Hiến không thể nào thể hiện nếu chủ thể tận hiến không có lòng tin tưởng. Để có thể thưa “Fiat”, một tác động tận hiến phó thác trọn hảo, Mẹ Maria đã phải tin tưởng vào “Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều cao trọng” (Lk 1:49), và chính vì thế tình trạng “đầy ơn phúc” của Mẹ chẳng những là do Mẹ được “Chúa ở cùng” (Lk 1:28) mà còn nhờ Mẹ “được ơn nghĩa với Chúa” (Lk 1:31) nữa, qua việc Mẹ “tin vào những lời Chúa phán sẽ được thực hiện” (Lk 1:45). Tinh Thần Tận Hiến Đồng Công cũng được thể hiện trọn hảo nơi lòng tin tưởng vào Chúa - Mẹ của Cha Thủ. Trong cuốn Tục Lệ Đồng Công, điều 108, Cha Thủ đã khuyên dụ tu sĩ Đồng Công của mình theo kinh nghiệm sống đời tận hiến bằng lòng tin tưởng của ngài nơi Chúa qua Mẹ như sau: "Hết mọi tu sĩ Đồng Công phải luôn cầu xin Chúa cho mình có một đức tin mạnh mẽ, vững chắc không lay chuyển. Để đạt mục đích đó, anh em phải tập cho quen đời sống hoàn toàn phó thác và cậy trông vào Chúa theo lời Chúa phán: ‘Hết mọi sợi tóc trên đầu cáccon đã được đếm cả’ (Mt 10,30; Lc 12,7). Trong mọi công việc lớn hay nhỏ, hồn hay xác, anh em hãy hết lòng tin cậy Chúa - nhất là những anh em có nhiệm vụ chỉ huy đoàn thể hay phụ trách công việc chung - dù thành công, chớ tự phụ, cậy tài trí khôn ngoan riêng mình, kẻo mất công phúc trước mặt Chúa. Nhưng loài hèn yếu đầy khuyết điểm, luôn bị kẻ thù là Satan quấy nhiễu xúi giục từ bỏ Chúa, chúng ta sẽ đứng vững trong đường trọn lành thế nào được? Hạnh phúc thay, Thiên Chúa là Cha đầy tình thương yêu đã ban cho loài người một phương thế chiến thắng Satan, một đường lối chắc chắn, dễ dàng và vắn tắt để đến với Chúa, tức là qua Mẹ Maria (ad Jesum per Mariam). Vì thế, Dòng Đồng Công chủ trương tận hiến toàn thân cho Đức Mẹ”. 4.1- Tinh thần bình dân phục vụ của tôi nơi Chủng Viện Simon Hòa Đà Lạt Đúng thế, tôi đã được Cha Thủ sinh ra bằng lòng tin tưởng vào Chúa-Mẹ liên quan tới Tinh Thần Tận Hiến Đồng Công. Và vì là đứa con thiêng liêng của ngài, tôi đã được hân hạnh "không giống lông thì giống cánh", một đôi cánh bao gồm hai lòng sùng kính chân truyền đích thực của người Kitô hữu Công Giáo, đó là lòng tôn sùng Mẹ Maria liên quan tới Fatima và lòng tôn sùng Đức Thánh Cha liên quan tới việc gắn bó với Giáo Hội. Phải công nhận là Di Sản Đồng Công chính yếu nhất và quan trọng nhất của Cha Thủ nơi tôi đó là lòng tin tưởng của ngài nơi Chúa - Mẹ, một di sản quí báu cũng đã được tôi thực sự mang đầu tư sinh lợi vô vàn, cho chính bản thân tôi cũng như cho các tâm hồn được tôi phục vụ hay làm việc với tôi, nơi hai hoạt động tông đồ giáo dân của tôi là Phong Trào Thiếu Nhi Fatima và chương trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống, như những gì tôi đã chia sẻ trên đây. Nếu nói theo ngôn ngữ của Phim Tầu thì Cha Thủ chẳng những đã đả thông kinh mạch cho tôi, mà còn truyền thêm nội công thâm hậu của chính bản thân ngài cho tôi. Bởi thế, chính nhờ được một đệ nhất cao thủ về thánh đức đối với tôi bấy giờ đả thông những khuynh hướng và vướng mắc kiêu căng tự ái cố hữu nơi mình là những gì tự tôi bất khả thắng vượt, và lại nhận được nội công thâm hậu là lòng tin tưởng vào Chúa - Mẹ của tay cao thủ này cấp tốc truyền cho, tôi đã bình tĩnh hạ sơn hành hiệp và quả thực đã không làm cho ngài bị bẽ mặt và không hổ danh là một trong thành phần môn sinh chân truyền của ngài. Tuy nhiên, lòng tin tưởng Chúa - Mẹ là Di Sản Đồng Công nguyên tuyền của Cha Thủ này nơi tôi sẽ không thể nào càng ngày càng "đâm rễ vươn cao", "đâm rễ" nơi tôi và "vươn cao" trong đời, nếu thiếu tinh thần bình dân và phục vụ của Dòng Đồng Công. Quả vậy, theo kinh nghiệm hoạt động của mình, chính nhờ tinh thần bình dân hòa đồng với thành phần được trao phó và tinh thần phục vụ hoàn toàn vô vị lợi, theo gương Chúa Kitô và lời Chúa Kitô "Non Ministrari Sed Ministrare" (Mt 20:28), tôi đã gắt hái được hoa trái ngoài lòng mong ước, đầu tiên ở Tiểu Chủng Viện Simon Hòa Đà Lạt (1972-1974), sau đó ở giới trẻ Thiếu Nhi Fatima TGP/LA và chương trình phát thanh Tin Mừng Sự Sống. Ở Tiểu Chủng Viện Simon Hòa, tôi chẳng những được Cha Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Nhượng và Cha Giám Học Vương Văn Điền trao trách nhiệm dạy học 10 tiếng một tuần cho 3 lớp nhỏ hai môn Việt Văn và Sử Địa, và Cha Giám Thị Nguyễn Hữu Duyên ủy thác việc coi học vào buổi chiều cũng cho 3 lớp nhỏ đệ nhất cấp này, mà còn được Cha Quản Lý Nguyễn Văn Tính nhờ phục vụ các tiểu chủng sinh trong việc mua bán các thứ đồ cần dùng cho các em, nhất là sau cơm trưa. Ngoài ra, tôi còn được Cha Giám Đốc Trần Đức Huân mời kiêm nhiệm vai trò Trưởng Ban Cứu Thương, chuyên lo phát thuốc và chích thuốc cho các em sau điểm tâm sáng, đi kiếm thuốc và mua thuốc cho chủng sinh, nếu cần thì chở các em đi nhà thương trong ngày, kể cả việc thường xuyên bưng cơm bưng cháo cho các em bị đau yếu ở phòng bệnh hay tại bàn ăn v.v. Ở môi trường giáo dục đầu tiên tôi được phục vụ này, tôi đã có được một kinh nghiệm thật là quí báu về việc phục vụ liên quan tới tác dụng hết sức tích cực trong lãnh vực giáo dục, đó là nghệ thuật "pro active", tức biết trước thành phần được mình phục vụ cần những gì để gợi ý và sẵn sàng đáp ứng, chứ không cần phải đợi đến khi họ chạy đến với mình, xin mình giúp đỡ. Nghệ thuật “pro active” này thật ra cũng được bắt nguồn từ tinh thần phục vụ của Đấng đã “tự” hứa cứu độ loài người sau nguyên tội (cf. Gen 3:15), “tự“ thiết lập giao ước với Dân Do Thái và “tự“ trung thành với giao ước của mình cho tới cùng cho dù có bị dân này quá sức là bất trung với mình, “tự” hóa thành nhục thể (cf. Jn 1:14), “tự bỏ mạng sống mình đi” (Jn 10:18), “tự hiến” (Jn 17:19), mà thôi. Tại môi trường đào luyện linh mục này của một giáo phận trong các giáo phận, thành phần sẽ sống đời độc thân như dấu hiệu “không để được phục vụ mà là phục vụ” theo như câu được Dòng Đồng Công nhận làm tâm niệm, tinh thần bình dân và phục vụ của Đồng Công thật là nổi bật và hấp dẫn đối với một cơ cấu tổ chức vốn thiên về cấp trật và hướng đến “phẩm trật”. Bởi thế, dù tôi có tỏ ra khá ngặt nghèo với các em về vấn đề kỷ luật, nhưng các em vẫn kính nể tôi, và thích chơi với tôi, nhất là sau giờ cơm tối. Vừa đọc xong kinh cám ơn cuối bữa ăn tối, một số em đã ùa lên bàn ăn chính của các cha ở giữa nhà cơm để kéo tôi đi với các em, làm tôi rất ngượng với các cha, và phải nói nhỏ với các em về chỗ hẹn hò (trước các lớp học của các em ở mặt tiền của chủng viện, gần phòng ngủ của tôi) sau bữa tối để cứ đến đó gặp nhau sau. Thời gian hoạt động ở Tiểu Chủng Viện Simon Hòa, tuy hết sức vất vả, không còn giờ giấc gì cho mình, hoàn toàn sống cho các em tiểu chủng sinh, các vị linh mục tương lai của Giáo Hội, tôi lại thấy mình chẳng những gần gũi với Chúa hơn bao giờ hết, ở chỗ càng thành công càng thấy việc Chúa làm, mà còn ở chỗ sống gần gũi với tha nhân hơn bao giờ hết, khi hết mình phục vụ họ và được họ hết sức quí mến. 4.2- Tinh thần bình dân phục vụ của tôi nơi Phong Trào Thiếu Nhi Fatima Với các em Thiếu Nhi Fatima, tuy bằng tuổi cha anh (thậm chí có trường hợp bằng tuổi “cha ông”) của các em, tiền bối của các em, tôi cũng sống hòa đồng với các em. Các em nói chung gọi tôi là “anh” (và gọi nhà tôi không sinh hoạt với các em là “cô“). Tôi cố gắng "biết" (Jn 10:27) được thành phần chiên của mình, mình từng huynh trưởng, ít nhất là cách chung chung, theo chiều hướng "đi trước chiên" (Jn 10:4), kiểu "pro choice" trên đây. Hằng tuần tôi đến sinh hoạt với từng đoàn, và hằng tháng trung thành sinh hoạt chung Liên Đoàn vào các Ngày Thứ Bảy không bao giờ bỏ, trừ phi bất khả kháng vài lần từ năm 1992. Các em hay nghe tôi thú với các em rằng “tôi cám ơn các em luôn hân hoan đón nhận tôi, cho tôi được ở giữa các em như người bạn của các em. Tôi đến không phải chỉ để cho các em những gì tôi có mà còn để nhận nơi các em nữa, qua việc hiện diện hết sức sống động và tích cực tham gia của các em vào các sinh hoạt đạo đức khô khan, hoàn toàn trái với tuổi ham vui chơi của các em, mà tôi, ở vào lứa tuổi của các em khi còn ở Việt Nam hồi thập niên 1960 đã không được như các em bây giờ ở một đất nước Hoa Kỳ tối tân đầy tiện nghi hưởng thụ này”. Trong các khóa tĩnh huấn hằng năm 3 ngày cuối tuần bao giờ cũng vào dịp Lễ Tạ Ơn Hoa Kỳ, tôi chẳng những lo điều hành tổng quát mà còn nhào vô thu dọn sau từng bữa ăn cho các em và với các em, kể cả việc rửa bát. Tôi là người bao giờ cũng đến trước nhất và về cuối cùng sau những cuộc tổ chức chung. Tuy nhiên, nếu không được hấp thụ tinh thần bình dân phục vụ không hưởng thụ của Đồng Công trước đây, so với một số em, tôi cảm thấy hoàn toàn và thật sự xấu hổ và thua xa, ở vào lứa tuổi của các em, trong việc hết mình và vô tư dấn thân phục vụ. Các em rất dễ thương, bảo gì làm nấy, hết sức cộng tác với tôi và với nhau, đúng khẩu hiệu “Thiếu Nhi Fatima – Yêu Thương” của các em, và theo 10 Điều Tâm Niệm của Thiếu Nhi Fatima mà tôi đã đặt ra cho các em từ năm 1992, và được các em hằng tuần lập lại đến thuộc lòng và hay nhắc nhở nhau căn cứ vào đó mà sống, đó là câu tâm niệm 6- “hiền lành và khiêm nhượng trong Lòng” (Mathêu 11:29); 7- “Vâng lời trọng hơn của lễ”(Isamuel 15:22); 8- “khôn ngoan như rắn và chân thật như bồ câu” (Mathêu 10:16). Sống với các em và làm việc với các em tôi cảm thấy hết sức trẻ trung và thoải mái. Các em không tỏ ra những thái độ phê bình, chỉ trích, đả phá, chống đối, bè đảng v.v. như vẫn thường xẩy ra ở các hội đoàn người lớn. Trong Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam có 14 Cộng Đoàn ở Tổng Giáo Phận Los Angeles, trước tình trạng từ 6 Đoàn vào năm 1990, xuống còn 5 Đoàn vào năm 1994 và 4 Đoàn vào năm 2003, các em nói chung và thành phần lãnh đạo của các em nói riêng vẫn không tỏ ra chống đối, trái lại, đã cố gắng sống thân phận của một cành nho bị cắt tỉa cho càng sai trái hơn (xem Jn 15:2). Bởi thế, với con số 4 đoàn (khoảng 500 em) chẳng là bao nhiêu (so với Thiếu Nhi Thánh Thể), ở duy một nơi trên trái đất này là TGP/LA, chưa đầy 25 năm thành lập (1984-2009), TNF đã được Chúa ban cho 3 vị linh mục (1 vào năm 2006 và 2 vào năm 2008), những vị linh mục trẻ thật hăng say phục vụ Giáo Hội. Sau đây là tất cả kinh nghiệm làm việc với giới trẻ tôi đã chia sẻ trong cuốn "Tông Đồ Giới Trẻ" (1996), nhất là về vấn đề làm sao để có thể chẳng những đến với giới trẻ là thành phần theo bản tính tự nhiên ham vui chơi hơn là sống đạo mà còn phục vụ giới trẻ một cách hữu hiệu tối đa nữa: "Càng giao tiếp với giới trẻ, càng phục vụ giới trẻ, đời tôi như càng được hồi xuân. Ở chỗ, giới trẻ của thập niên 1990 tại Mỹ Quốc chẳng những không sợ tôi, tránh xa tôi, một thanh niên vào bán thập niên 1960 ở Việt Nam, trái lại, họ còn nồng hậu tiếp nhận tôi, kêu mời một 'lão nhi' như tôi đến với họ. Họ đã tự mở lòng mình ra cho tôi được 'nhập bọn'. Phần tôi, tôi đâu có gì khác để chia sẻ với họ, ngoài chút thiện chí được phát xuất từ niềm xác tín về ơn gọi làm Tông Đồ Giới Trẻ" (trang 4). "Sở dĩ giới trẻ tìm kiếm những vui thú mau qua, nhiều khi tội lỗi, là vì chúng đói khát chân thiện mỹ mà chưa thỏa hay không được thỏa, bởi không có mà ăn hay không ai cho ăn. Trái lại, sở dĩ giới trẻ ngang tàng, phá phách, ngông cuồng, phạm pháp, đọa đầy, là vì chúng chẳng những không được mớm cho những chất sinh dưỡng bổ béo như tâm hồn chân chất của chúng vốn khao khát, mà còn lại bị đầu độc bởi những thứ 'mật ngọt chết ruồi', hoặc những thứ ăn vào chỉ làm cho đau bụng hay buồn nôn mà thôi. Bởi đó, nếu giới trẻ được giáo dục đàng hoàng, được hướng dẫn đích đáng, được nâng đỡ đến cùng, chúng chẳng những làm người mà còn làm thánh nữa" (trang 39-40). "Xã hội loài người ngày nay nói chung, và giới trẻ nói riêng, sở dĩ đang băng hoại, đang bị 'bankrupcy' (khánh kiệt), mất vốn, mất gốc, là vì, như các đoạn Phúc Âm theo Mathêu 12:29, Marcô 3:27 và Luca 11:21-22 nói đến, con người của họ đã bị kẻ gian đột nhập, tự do của họ đã bị trói buộc, và tâm hồn của họ đã bị cướp bóp, bởi 'đối phương là ma qủi vây hãm như sư tử gầm gừ rình chực nuốt mồi' (2Pt.5:8). Trước một thực trạng thảm bại như vậy, làm sao có thể đánh động được giới trẻ, để chúng đang hoang đàng trở thành ngoan đạo, đang băng đảng trở thành một lực lượng làm tông đồ cho chính giới trẻ của mình?" (trang 41). "Giới trẻ đang băng hoại hiện nay là một 'hiện tượng' mà thôi, chứ không phải là một 'thực tại'. Đã là một 'hiện tượng', tất nhiên, theo bản chất của mình, nó sẽ qua đi, chứ không thể nào vĩnh tồn và vĩnh hằng như chính cái được gọi là 'thực tại'. Sở dĩ có 'hiện tượng' giới trẻ băng hoại ngày nay, là vì mầm mống Chân Thiện, khát vọng Chân Thiện, tận đáy lòng của con người chúng, như cũng đã được nhận định trên, chưa được thỏa hay không được thỏa, trái lại, nhiều khi mầm mống và khát vọng Chân Thiện này còn bị bóp nghẹt, dập tắt, bởi những gian ác của cuộc đời đầu độc. Bởi vậy, muốn cứu vãn giới trẻ, cần phải chiếu sáng Chân Thiện là 'thực tại' đời đời mới có thể xua tan 'hiện tượng' đêm tối huyền hoặc đang chập chúng bao trùm và vồ vập đám giới trẻ vô tội đáng thương. Vì chỉ có 'chân lý', chứ không phải bất cứ một thần tượng hay chủ thuyết trần gian nào, dù là khuynh hướng hiện sinh, khoa học thực nghiệm hay kỹ thuật tân kỳ, mới có khả năng chiếu sáng để hoàn toàn 'giải cứu' (Jn.8:32) con người một cách dứt khoát và toàn vẹn mà thôi. "Đúng thế, cái 'giải cứu' con người, 'giải cứu' giới trẻ là 'chân lý', là Chúa Kitô, chứ không phải chính chúng ta, thành phần Tông Đồ Giới Trẻ đang quan tâm đến giới trẻ, đang lo cho giới trẻ, đang hết mình phục vụ giới trẻ, mà chúng ta không nên sợ rằng, tự chúng ta không thể nào chinh phục được giới trẻ, không thu hút được giới trẻ, không hiểu được giới trẻ, và không đối thoại được với giới trẻ. Chúa Kitô chính là 'đường lối' (Jn.14:6) để thành phần Tông Đồ Giới Trẻ chúng ta đến gặp gỡ giới trẻ, và cũng để giới trẻ có thể đến gặp gỡ chúng ta, cũng như Người luôn là 'đường lối' để 'Thiên Chúa là Đấng vô hình' (Col.1:15) tỏ mình cho con người, đồng thời để con người 'đến cùng Cha' (Jn.14:6). "Chúa Kitô chẳng những là 'đường lối' mà còn là chính 'chân lý', là đối tượng khát khao của lòng con người. Do đó, nếu chung con người và riêng giới trẻ không tìm đâu ra 'chân lý' ngoài Chúa Kitô, để 'được sống viên trọn' (Jn.10:10), thì những người có trách nhiệm giáo dục giới trẻ nói chung, nhất là thành phần phục vụ giới trẻ trong các phong trào Công Giáo Tiến Hành nói riêng, không còn cách nào hơn là 'mặc lấy Chúa Giêsu Kitô' (Rm.13:14) mà đến với giới trẻ, để giới thiệu Chúa Kitô cho họ. Bảo đảm giới trẻ sẽ nhận ra Chúa Kitô nơi bạn, và sẽ hết sức 'welcome' (tiếp nhận) bạn, cần đến bạn và thích gần gũi với bạn. Bởi vì, 'chiên của Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta' (Jn.10:27). Thế nhưng, làm sao để cho giới trẻ nhận ra Chúa Kitô nơi tôi, nghe thấy tiếng Chúa Kitô qua tôi, nhờ đó, họ có thể ngoan ngoãn đi theo Người?" (trang 42-43). "Nếu chúng ta phục vụ giới trẻ với tư cách là một 'tôi tớ xin vâng' (Lc.1:38), chắc chắn chúng ta sẽ trở thành nơi gặp gỡ giữa Chúa Kitô và giới trẻ, như Mẹ Maria đã là điểm hội ngộ đất trời, giữa Thiên Chúa và loài người, khi 'Lời đã hóa thành nhục thể' (Jn.1:14) trong cung lòng trinh nguyên của Mẹ vậy. Một khi, nhờ và qua thành phần Tông Đồ Giới Trẻ chúng ta, giới trẻ gặp được Chúa Kitô, thì bấy giờ chính Chúa Kitô sẽ trực tiếp làm việc nơi mỗi một tâm hồn người trẻ. Như thánh Gioan Tiền Hô giới thiệu Chúa Kitô cho các môn đệ của ngài thế nào, phận sự của thành phần Tông Đồ Giới Trẻ chúng ta cũng là việc chỉ cho giới trẻ mà mình có trách nhiệm biết đâu là Chúa Kitô đích thực, để chúng an tâm theo Người mà không sợ đi theo 'những tên phản Kitô' (1Jn.2:18). Còn về phần giới trẻ, sau khi nhận ra Chúa Kitô do thành phần Tông Đồ Giới Trẻ chúng ta làm tiền hô giới thiệu, họ tự nhiên sẽ nghe thấy tiếng Chúa Kitô mời gọi 'hãy đến mà xem' (Jn.1:39), để mạnh dạn đến ở với Người (x.Jn.1:39), rồi về tìm nhau và rủ nhau cùng đến với Người nữa (x.Jn.1:40-51)." (trang 44-45). Thật vậy, giới trẻ đã rủ nhau đến với Chúa như 2 trường hợp điển hình sau đây. Trường hợp thứ nhất đó là ngay sau 2 Khóa Tĩnh Huấn 1 và 2 liền cuối năm 1992, các em ở từng Đoàn, bắt đầu từ Đoàn Đức Mẹ Carmêlô Los Angeles (1993), rồi tới Đoàn Đức Mẹ Mân Côi Pomona (1994), sau đó là Đoàn Đức Mẹ Thăm Viếng El Monte (1995) và cuối cùng là Đoàn Đức Mẹ Sầu Bi San Gabriel (1997) , những đoàn sinh hoạt vào chiều Chúa Nhật, trước Lễ hằng tuần của Cộng Đoàn, (trừ Đoàn Đức Mẹ Truyền Tin Torrance có lễ của cộng đoàn vào tối Thứ Bảy hằng tuần), đã tự động rủ nhau tập họp lại vào mỗi tối Thứ Bảy trong tháng để cầu kinh Mân Côi và chia sẻ sống đạo. Vì Liên Đoàn đã tổ chức Thứ Bảy Đầu Tháng rồi, nên không dám thúc đẩy các em làm thêm vào các Thứ Bảy hằng tuần tại đoàn, không ngờ chính các em, sau 2 khóa tĩnh huấn này, dường như đã “bị thấm đòn” linh thao Fatima, đã tự nghĩ ra, tự khởi xướng và tự rủ nhau đến với Chúa Kitô. Tôi cảm thấy càng phấn khởi và càng cảm phục các em hơn nữa. Để rồi, tôi đã “nhào vô“ với các em, đồng hành với các em trong các cuộc “đi đêm” sống đức tin này của các em. Trường hợp thứ nhất đó là hôm Thứ Bảy Đầu Tháng 5/9/2009, Cha Antôn Lê Ngọc Đức Phúc, SVD, vị linh mục đầu tiên xuất than từ TNF, tuyên hứa làm huynh trưởng TNF ngày 29/11/1992, được thụ phong ngày 27/5/2006, và đã xung phong tình nguyện sang Thái Lan phục vụ anh chị em bị nhiễm chứng liệt kháng AIDS hay HIV ở một nơi hẻo lánh nghèo nàn, nhân dịp về thăm gia đình ở Costa Mesa California sau 3 năm 1 lần, đã chia sẻ trong bài giảng với 45 em TNF tham dự Thánh Lễ ngài dâng hôm ấy tại Cộng Đoàn Đức Mẹ Mân Côi Claremont-Pomona về ảnh hưởng của TNF nơi ngài. Ngài cho biết khi vừa về nhận địa sở mới, ngài đã phải tìm kiếm và sử dụng giới trẻ để giúp ngài trong mọi sự; ngài đã tổ chức Thứ Bảy Đầu Tháng, với Tượng Mẹ Fatima, cùng giới trẻ tới các gia đình cầu kinh Mân Côi; ngài đã thành lập nhóm giới trẻ, chính thức từ 8/2009, và tìm những câu tâm niệm cho nhóm này, đa số lấy từ 10 Điều Tâm Niệm của TNF; ngài tổ chức trại cho giới trẻ, bề ngoài cũng ao thun đồng phục như TNF, nhưng bề trong phải có thánh lễ và học hỏi đạo đức nữa chứ không phải chỉ nguyên vui chơi; trong nhóm giới trẻ khoảng từ 15 đến 20 em này, có 3 em mới trở lại 1 năm rưỡi, 2 em lớp 11 và 1 em nhiễm HIV, lên xe đi đâu cũng nhắc cha lần hạt Mân Côi. 4.3- Tinh thần bình dân phục vụ của tôi nơi Chương Trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống Tinh thần bình dân liên quan tới việc phục vụ không hưởng thụ là Di Sản Đồng Công nơi tôi chẳng những được thể hiện và gặt hái được dồi dào hoa trái qua thời gian tôi giúp việc ở Chủng Viện Simon Hòa Đà Lạt và dẫn dắt giới trẻ Thiếu Nhi Fatima ở TGP/LA, mà còn nơi cả chương trình phát thanh Tin Mừng Sự Sống nữa. Phải thú thực rằng riêng bản thân tôi (trong nhóm anh chị em Thân Hữu Đồng Công từ 6 người từ đầu còn 4 người cho tới nay) mất rất nhiều giờ cho hoạt động tông đồ truyền thông này, với mọi thứ kiêm nhiệm chính yếu, bao gồm cả việc tự động lo tất cả mọi thể lệ hành chánh liên quan tới cả Tiểu Bang lẫn Liên Bang để thành một tổ chức bất vụ lợi - non-profit, mang tên gọi là Hiệp Hội Tin Mừng Sự Sống - Good News of Life Association, nhờ đó có thể gây quĩ sau này. Để liên tục thực hiện việc loan truyền Tin Mừng Sự Sống qua các buổi phát thanh nửa tiếng hằng tuần vào giờ đắt đỏ - primary time, tôi phải kiêm nhiệm đủ mọi thứ việc, như việc dọn bài phát thanh chủ đề, việc thâu phát thanh chung nhóm, việc edit phát thanh từng bài, (có những lần bị trục trặc về máy móc đến gần như bị nhỡ giờ phát thanh), và việc liên lạc với đài phát thanh (Sài Gòn Radio Hải Ngoại ở Orange County California). Để có đủ phương tiện vật chất cho việc phát thanh đắt đỏ, tôi còn phải lo tự mình thảo thư và gửi thư quyên tiền một năm hai lần, một vào dịp kỷ niệm khai trương (17/9/2000) và một vào ngày quan thày Mẹ Thai Lời 25/3, và cùng với nhóm lo gây quĩ hằng năm ở Ngày Thánh Mẫu Missouri của Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ. Chưa hết, sau khi nhận được số tiền ủng hộ đóng góp lớn nhỏ của bất cứ ai, tôi lại phải lo đốt CD về buổi phát thanh có lời tri ân cảm tạ họ, với label CD mầu in tên của từng người, kèm theo Bức Thư "Acknowledgement of the Contribution", bằng một tờ letterhead trang trọng mầu sắc, để họ được miễn trừ thuế lợi tức hằng năm. Thấy tôi vất vả quá với việc trân trọng thành phần ân nhân này, tôi đã được khuyên nên làm vừa phải thôi, thậm chí cũng chẳng cần làm như vậy vì người cho cũng chẳng cần biết đến và ghi ơn v.v. Nghe thấy những lời khuyên đầy thông cảm ấy, tôi đã thành thật bày tỏ cảm nghĩ của tôi rằng tại sao chúng ta tha thiết kêu gọi người ta đóng góp cho mình, để rồi sau đó coi thường họ như vậy, nếu ở vào trường hợp mình là ân nhân thì sao? Cho dù thành phần ân nhân làm ơn kiểu tay phải không cho tay trái biết, về phần kẻ nhận ơn, vẫn cần phải bày tỏ lòng trân quí của mình đối với những gì họ cho và đối với người cho. Phần tôi, sở dĩ cần phải làm việc ấy một cách kỹ lưỡng như thế, không phải chỉ vì lòng biết ơn, mà còn để sáng tỏ vấn đề vẫn thường và vẫn dễ “lem nhem” này. Thế nhưng, đối với tôi, lý do chính yếu thúc đẩy tôi sẵn sàng bỏ giờ ra thực hiện việc bày tỏ lòng trân quí của mình mỗi khi nhận được quà tặng là vì các vị ân nhân quả thực là bàn tay của Đấng Quan Phòng Thần Linh giơ ra trao cho tôi những gì cần thiết, vào thời điểm của Ngài, để những gì Ngài muốn chúng tôi làm được tiếp tục theo như ý muốn huyền diệu của Ngài. Rồi, với tư cách là Thủ Quĩ của tổ chức bất vụ lợi chính thức này, tôi còn phải hằng năm tường trình lợi tức cho chính quyền Liên Bang, cách riêng cho Tiểu Bang Missouri sau mỗi lần gây quĩ ở Ngày Thánh Mẫu, và phải tường trình những gì thay đổi về cơ cấu tổ chức cho chính quyền Tiểu Bang nữa. Có những lần tôi mất cả ngày để hoàn tất chỉ một mẫu giấy được chính quyền đòi hỏi mà thôi, vì tôi cần phải lục lại tất cả hồ sơ giấy tờ từ đầu để hoàn tất làm sao cho hết sức chính xác chỉ duy một con số sau bao nhiêu là đợt cộng trừ nhân chia nhức cả đầu. Thú thật, nếu không có tinh thần phục vụ không hưởng thụ, nhất là lòng tin tưởng vào Chúa - Mẹ theo gương Cha Thủ, tôi không thể nào tiếp tục với việc tông đồ giáo dân "quá" ư là vất vả này. Đó là chưa kể đến mấy lần tưởng đã không còn trên thế gian này nữa, vì xẩy ra tai nạn xe chết bất đắc kỳ tử, ở chỗ, sau một ngày làm việc mệt mã rồi ghé thâu phát thanh ở Orange County đến khuya, trên đường về xa cả tiếng đồng hồ, vì khua khắt và quá buồn ngủ, bị lạc cả đường về nhà, mở mắt ra đã sang freeway khác hay đã quá mấy exit rồi... Có những lúc tôi phải tự nhủ và trấn an cả bản thân mình lẫn anh chị em trong nhóm là "hãy nhìn lên Chúa để có thể làm việc của Ngài, chứ đừng nhìn chung quanh mình", "anh chị em mình chỉ làm được tới đó thôi, Chúa chỉ ban cho họ bằng ấy nén thôi, họ chỉ có thiện chí như thế thôi, phần còn lại mình cố gắng kiêm nhiệm bao nhiêu có thể, rồi phó hết mọi sự cho Chúa, việc của Ngài thì Ngài sẽ lo"; "nếu Chúa không ban cho nhóm mình đầy đủ nhân số và dồi dào tài năng thì Ngài sẽ ban cho mình tinh thần phục vụ”, “làm việc cho Chúa cần phải có máu tử đạo"... 5- Di Sản về Lời Chúa của Cha Thủ nơi tôi Tuy nhiên, 4 di sản Đồng Công nổi bật của riêng Cha Thủ liên quan tới đời sống hoạt động tông đồ giáo dân của tôi trên đây: 1) lòng tôn sùng Mẹ Maria, liên quan tới Fatima; 2) lòng tôn sùng Đức Thánh Cha, hoàn toàn gắn bó với Giáo Hội; 3) lòng tin tưởng vào Chúa, liên quan tới tinh thần Tận Hiến, và 4) tinh thần bình dân phục vụ không hưởng thụ, có thể nói và phải nói rằng không thể nào phát triển đến độ phong phú như thế trong cuộc đời "tu xuất" của tôi, thành phần vẫn bị mang tiếng là "nhất ma, nhì quỉ, thứ ba tu xuất", nếu không được nuôi dưỡng bằng 2 di sản khác của Cha Thủ nơi tôi liên quan tới đời sống nội tâm. Đó là việc đọc Lời Chúa hằng ngày và lần hạt Mân Côi hằng ngày. Đúng thế, theo tục lệ của Dòng Đồng Công, mỗi ngày hết mọi tu sĩ Đồng Công buộc phải đọc mấy câu Phúc Âm để suy niệm và sống Lời Chúa, cũng như phải lần một tràng 150 kinh Mân Côi, nếu không bận trở từ 5 tiếng trở lên. Sở dĩ tu sĩ Đồng Công lần hạt Mân Côi mỗi ngày 1 tràng 150 kinh là để thay thế cho việc nguyện Kinh Thần Vụ, vì Kinh Thần Vụ bao gồm chính yếu 150 Thánh Vịnh, một con số Thánh Vịnh được thay thế bằng 150 Kinh Mân Côi là kinh được đơn giản hóa cho giới bình dân để họ có thể cầu nguyện hằng ngày theo tinh thần của Kinh Thần Vụ cùng với Giáo Hội. Trước hết về vấn đề đọc Lời Chúa hằng ngày, cho tới nay tôi vẫn tiếp tục như thế, không hề bỏ. Nhờ đó, tôi thực sự thấm nhuần Lời Chúa, càng ngày càng hiểu Lời Chúa hơn, ở chỗ, phán đoán theo Lời Chúa và cố gắng tác hành cùng phản ứng làm sao cho hợp với Ý Chúa một cách trọn lành theo Phúc Âm. Phải nói rằng Lời Chúa như ám ảnh tâm trí tôi. Lời Chúa đúng là "thần linh và sự sống" (Jn 6:63) cho tôi, là "lương thực hằng ngày" (Mt 5:11) của tôi. Tôi cảm thấy quả thực Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý càng ngày càng dẫn tôi "vào tất cả sự thật" (Jn 16:13) là Chúa Giêsu Kitô. Bởi thế, bất cứ những gì tôi nghĩ tưởng, nói năng hay tác hành hoặc phản ứng không theo tinh thần Chúa Kitô thì tôi biết ngay, và cố gắng cải tiến cho nên giống Người mỗi ngày một hơn. Những bài viết của tôi và sách vở của tôi, nhất là về tu đức và giáo lý, được trích dẫn Lời Chúa rất nhiều, tới độ không ít độc giả, thậm chí cả các vị linh mục và tu sĩ, đã tưởng tác giả "Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL" là một vị linh mục... cho tới khi ngỡ ngàng thấy được bộ mặt "bố đời" của tôi. Thật sự là tôi cảm thấy Lời Chúa đang từ từ khuôn đúc con người của tôi và chi phối cuộc đời của tôi. Tôi không thể tồn tại với hoạt động tông đồ giáo dân đa dạng và đầy gian truân thử thách lâu dài cho tới nay, trái lại, nhờ hoạt động lại càng gần Chúa hơn, nếu Lời Chúa không "là ánh sáng sự sống" (Jn 8:12) của tôi và cho tôi. Có 2 Lời Chúa đã có mãnh lực làm biến đổi của đời tôi, một vào năm 1963 và một vào năm 1972. Đúng thế, vào đêm Vọng Giáng Sinh 24/12/1963, tại sân trường Đức Minh tân Định, đang khi nghe bài giảng về Chúa Kitô giáng sinh bần cùng, đến câu "được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì" (Mt 16:26), bản thân là một giới trẻ ở tuổi dậy thì dầy những mộng mơ trần thế, bấy giờ liền cảm thấy không còn thiết gì nữa, kể cả mối tình đầu của mình, không còn sự gì trên thế gian này có ý nghĩa nữa, ngoài việc theo Chúa trong cuộc sống tu trì, một cuộc sống tôi đã thực sự theo đuổi từ ngày 21/6/1964 trong Dòng Đồng Công. Câu Lời Chúa thứ hai đã biến đổi đời tôi đó là câu "hãy chọn chỗ cuối rốt mà ngồi" (Lk 14:10), một câu tôi chỉ hiểu được thấm thía ý nghĩa và cụ thể áp dụng thực hành khi đang ở trong đêm tối tăm, trong thời gian "đáp công chuộc tội" với Cha Thủ, như tôi đã đề cập tới trên đây, nhất là trong cuốn “Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ, CMC, Hạt Lúa Miến Mục Nát… Cho Mùa Thánh Đức Việt Nam”, trang 142-143. Tuy nhiên, phải công nhận là biến cố thứ ba, sau 2 biến cố trên, cũng liên quan tới Lời Chúa, biến đổi cuộc đời tôi, đó là biến cố 1978. Quả vậy, sau mùa hè 1978, tức sau 2 năm học triết ở Conception Seminary thuộc miền Bắc Tiểu Bang Missouri, nhất là ngay sau thời gian đi giúp xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Oklahoma City, Oklahoma, tôi cảm thấy tôi chú trọng và chuyên tâm vào các phương tiện trần gian nhiều quá (nhất là về vấn đề ca hát đàn địch) đối với các hoạt động tông đồ đã qua và sẽ tới của mình. Thế rồi, sau khi tôi tự nhiên cảm thấy không có một sự gì chân thật bằng Lời Chúa, khôn ngoan bằng Lời Chúa, quyền năng bằng Lời Chúa, trọn hảo bằng Lời Chúa, tôi đã bỏ hết mọi sự, giành từng giây từng phút của mình để nghiền gẫm Thánh Kinh, và sau 2 năm phục vụ với tư cách là quản lý ở Trại Heo của Chi Dòng, tức cho tới năm 1980, khi tôi được sai đi lập Nhà In Sao Mai ở Houston Texas rồi sau đó chuyển về làm quản lý Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ trong cùng một năm, tôi đã đọc trọn bộ Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước tất cả là 7 lần. Một câu nói tôi đã truyền lại cho các con của tôi vào năm tôi 57 tuổi, một câu quả thực vừa là hoa trái của Lời Chúa vừa có thể tóm tắt tất cả cuộc đời sống đạo của tôi, một câu nói vẫn còn làm châm ngôn sống cho tôi tới giây phút cuối cùng, đó là câu: "Chỉ có Con Đường dẫn đến Sự Thật mới gặp Sự Sống". Tôi có ý định sẽ viết một tác phẩm với nhan đề như thế và có thể sẽ là tác phẩm đúc kết cuộc đời của con người cựu tu sĩ Đồng Công này. Hình ảnh một Cha Thủ lúc nào cũng cầm trong tay cuốn Thánh Kinh Tân Ước nhỏ bằng tiếng Latinh mỗi khi huấn đức, và mở đầu bằng một câu Phúc Âm cho mỗi lần huấn đức hay hội họp vẫn còn đậm nét bất khả xóa mờ trong tôi. Những lời giáo huấn thấm đẫm Lời Chúa của ngài liên quan tới đời sống thánh, nhất là về tinh thần bỏ mình, “vui chịu khinh chê giầy đạp, chịu dễ duôi bắt bớ”, thực sự đã in sâu vào lòng tôi cho tới nay, vì nó hoàn toàn phản ảnh đời sống đầy khổ hạnh và đau thương cho tới chết của ngài. 6- Di Sản về Kinh Mân Côi của Cha Thủ nơi tôi Sau nữa, về việc lần hạt Mân Côi hằng ngày, cho tới nay tôi vẫn tiếp tục thực hiện. Chẳng những với số lượng như khi còn ở trong dòng mà còn hơn thế nữa. Tôi đã từng nói với bạn bè thân hữu Đồng Công hay tu sĩ Đồng Công của tôi rằng "sở dĩ tôi lần hạt Mân Côi nhiều hơn khi còn ở trong Dòng là vì ra ngoài đời lạnh lẽo hơn trong Dòng, nên cần phải mặc áo ấm hơn cho đỡ bị bệnh". Thật ra, khi mới xuất vào năm 1982, tôi chỉ lần hạt tối thiểu một chuỗi là 50 kinh thôi, ngoài việc đi lễ hằng ngày. Cho tới khi bắt đầu phục vụ Phong Trào Thiếu Nhi Fatima vào năm 1991, tôi mới tăng lên thành 1 tràng 3 chuỗi mỗi ngày, và bắt đầu thực hiện việc nguyện Giờ Kinh Thần Vụ hằng ngày từ năm 1992. Để mừng Đại Năm Thánh 2000 và bắt đầu từ Đại Năm Thánh 2000 này, số Kinh Mân Côi tôi đọc hằng ngày được tăng lên gấp hai, tức 2 tràng hay 6 chuỗi. Chưa hết, bắt đầu từ năm Mân Côi (2002-2003), tổng số Kinh Mân Côi tôi đọc hằng ngày lại được tăng lên 4 chuỗi nữa là 10 chuỗi hay 3 tràng. Tràng cuối cùng sở dĩ bao gồm 4 chuỗi thay vì 3 chuỗi trước đó là vì chuỗi Kinh mới kính Mầu Nhiệm Sự Sáng đã được ĐTCGPII thêm vào, khi ngài ban hành Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria của ngài, năm 2002, ở đoạn 19 và 21. Về Mầu Nhiệm Sự Sáng được ĐTCGPII chính thức thêm vào bộ Kinh Mân Côi truyền thống này, tôi đã được diễm phúc có cùng ý nghĩ với ngài, khi tôi dịch tác phẩm Bí Mật Kinh Mân Côi của Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) từ năm 1993, và thêm vào phần cuối sách như là "phụ trương 4" (trang 266-270) về "Năm Mầu Nhiệm Mân Côi Nhập Thế". Năm mầu nhiệm tôi thêm vào để trở thành "Năm Mầu Nhiệm Mân Côi Nhập Thế", liên kết giữa Năm Mầu Nhiệm Vui và Thương, bao gồm 1) biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa; 2) Chúa Giêsu chay tịnh; 3) Chúa Giêsu biến hình; 4) Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem; 5) Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể. Trong 5 mầu nhiệm này chỉ có 3 là giống 5 Mầu Nhiệm Sự Sáng của ĐTCGPII, đó là 3 mầu nhiệm lẻ 1, 3 và 5. Đối với tôi, từ ngày nghiên cứu về Fatima từ năm 1991, tôi đã lưu ý thấy lời Mẹ Maria kêu gọi mỗi lần Mẹ hiện ra và trong cả 6 lần ở Fatima liên quan tới Kinh Mân Côi, ở chỗ, Mẹ không kêu gọi là "hãy đọc (say) kinh Mân Côi hằng ngày" mà là "hãy cầu kinh (pray) Kinh Mân Côi hằng ngày", tức là hãy lần hạt với tất cả tấm lòng của mình chứ không phải chỉ bằng môi mép vậy thôi. Vì Kinh Mân Côi chính là một phương thức cầu nguyện tuyệt hảo, hết sức đặc thù của Kitô hữu Công Giáo, đến nỗi, theo ĐTCGPII, như ngài đã minh định trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, ở đoạn 3, rằng: "Việc lần hạt Mân Côi không là gì khác ngoài việc cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô". Theo chiều hướng "cùng Mẹ chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô" này, tôi đã bao gồm cả việc gẫm Lời Chúa hằng ngày với việc lần hạt Mân Côi làm một. Ở chỗ, tôi đọc Lời Chúa theo phụng vụ lễ của ngày hôm đó, rồi vừa lần hạt Mân Côi vừa suy ngắm Lời Chúa thay vì suy gẫm các mầu nhiệm Mân Côi. Tôi đã chia sẻ cảm nghiệm về việc "cầu kinh Mân Côi" của tôi qua một số tác phẩm, như cuốn "Cử Hành Mầu Nhiệm Mân Côi" năm 1998, "Cùng Mẹ Chiêm Ngưỡng Chúa Kitô" năm 2003, và "Bí Quyết Cầu Kinh Mân Côi" năm 2005. Tôi đã tổ chức việc "Cử Hành Mầu Nhiệm Mân Côi", (bằng cách lần trọn 3 chuỗi Vui, Thương, Mừng, và diễn từng mầu nhiệm), trong Phong Trào Thiếu Nhi Fatima vào Tháng Mân Côi hằng năm trong thời điểm Giáo Hội dọn mừng Đại Năm Thánh 2000 như sau: Lần 1 vào Chúa Nhật đúng ngày 13/10/1996 tại Đoàn Thiếu Nhi Fatima Đức Mẹ Lộ Đức Los Angeles; lần 2 vào Thứ Bảy Đấu Tháng 4/10/1997 tại Đoàn Thiếu Nhi Fatima Đức Mẹ Truyền Tin Torrance; lần 3 vào Thứ Bảy (gần ngày 13) 10/10/1998 tại Đoàn Thiếu Nhi Fatima Đức Mẹ Thăm Viếng El Monte; lần 4 vào Thứ Bảy (gần ngày 13) 9/10/1999 tại Đoàn Thiếu Nhi Fatima Đức Mẹ Đau Thương San Gabriel; lần 5 vào Thứ Bảy Đầu Tháng Lễ Mẹ Mân Côi 7/10/2000 tại Đoàn Thiếu Nhi Fatima Đức Mẹ Mân Côi Pomona. Ngoài ra, để mừng Đại Năm Thánh 2000, Thiếu Nhi Fatima, cả 5 đoàn thuộc TGP/LA, đã sang Đền Thánh Mẹ Dâng Con của Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ ở Corona, để cử hành 15 Mầu Nhiệm Mân Côi vào chính ngày 13/5. Chưa hết, sau năm 2000, TNF còn tiếp tục truyền thống "Cử Hành Mầu Nhiệm Mân Côi" một lần nữa với Ngày Mẹ Mân Côi được tổ chức tại Cộng Đoàn Đức Mẹ Mông Triệu El Monte, từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều vào ngày Thứ Bảy 13/10/2001, kỷ niệm đúng ngày Mẹ hiện ra tại Fatima lần cuối cùng năm 1917. Chương trình tổ chức khác với các năm trước (1996-2000), không còn các màn trình diễn 15 Mầu Nhiệm Mân Côi nữa, mà là học hỏi và chia sẻ về Kinh Mân Côi. Cốt lõi của Ngày Mẹ Mân Côi này vẫn là lần hạt đủ 15 Mầu Nhiệm, với năm màn vũ hoa dâng Mẹ của năm đoàn TNF; và Thánh Lễ kết thúc có vũ phụng vụ và nghi thức dâng Thế Giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, để Mẹ ban hòa bình cho thế giới, nhất là sau vụ khủng bố tấn công Hoa Kỳ ngày 11/9/2001 mới xẩy ra bấy giờ. Tôi cảm thấy mình có duyên nợ đặc biệt với Kinh Mân Côi vì 3 lý do chính sau đây. Lý do thứ nhất đó là vì tôi được sinh ra vào ngày 6/10, ngay trước ngày Lễ Mẹ Mân Côi - phải chăng để chúc tụng "Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời", như tôi quả thực đã được diễm phúc rửa tội để trở nên con cái Thiên Chúa vào chính Lễ Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa 11/10/1948. Lý do thứ hai đó là vì thánh quan thày rửa tội của tôi là Thánh Đaminh, vị thánh đã truyền bá Kinh Mân Côi trong Giáo Hội từ thế kỷ 13. Lý do thứ ba đó là vì tên thánh khấn dòng của tôi trước đây là "Paro", một tên ghép giữa Thánh Quan Thày khấn dòng với một tước hiệu về Mẹ - tên Thánh khấn dòng của tôi 24/9/1967 là "Antôn Padua" và tước hiệu về Mẹ của tôi là Mẹ Mân Côi "Rosario". Từ 4/2009, thời điểm hình thành Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương, tôi chỉ còn lần 2 tràng 8 chuỗi mỗi ngày, thay vì 10 chuỗi như từ Năm Mân Côi 2002-2003, nhưng thay vào đó, tôi bắt đầu lần 3 chuỗi Kinh Thương Xót. Tôi dự tính khi bắt đầu chính thức về hưu, một là năm 62 tuổi (2010) hai là năm 66 tuổi (2014), tôi sẽ lần 3 tràng hay 12 chuỗi mỗi ngày. Tôi chưa chính thức đích thân hỏi Cha Thủ về số lượng Kinh Mân Côi hằng ngày ngài lần hạt, mà chỉ nghe các bậc tiền bối trong dòng cho biết rằng ngài lần mỗi ngày 15 chuổi, và ngài sử dụng Kinh Mân Côi này để suy gẫm cũng như để dọn mình dâng Thánh Lễ và cám ơn Rước Lễ sau Thánh Lễ. Trong Kinh Tuần Ba kính Đức Mẹ, được ngài soạn theo 3 Mệnh Lệnh Fatima cho anh em dòng đọc trước một số Lễ Mẹ, ngày thứ nhất về mệnh lệnh cải thiện đời sống, ngày thứ hai về mệnh lệnh lần hạt mân côi và ngày thứ ba về mệnh lệnh tôn sùng mẫu tâm. Nguyên văn của Kinh Tuần Ba cho ngày thứ hai về Kinh Mân Côi như sau: “Lạy Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria! Trái Tim Mẹ đầy tình thương xót, đã ban cho thế gian một phương pháp cứu rỗi loài người, cải tạo đời sống, một kinh xin ơn đắc lực, giúp nên thánh dễ đàng, là phép lằn hạt Rất Thánh Văn Côi Mẹ. Ôi? Kinh Văn Côi chí linh chí ứng, phép tắc hiệu lực. Bao phen nguy hiểm khốn khó mà kinh Văn Côi đã đem lại cho Giáo Hội những thắng trận vinh quang. Biết bao bè đảng mưu mô xảo quyệt, tay sai đắc lực của Satan, đã bị tan tành thất bại trước tràng hạt Văn Côi Mẹ! Biết bao người tội lỗi nhầm lạc, đã ăn năn trở về cùng Chúa! Biết bao ức triệu người đạo rối, đạo lạc đã quay về cùng Đức Tin, làm con Giáo Hội, là do những tràng hạt Văn Côi đã huy động chỉ đàng! Ôi ? Kinh Văn Côi là thuốc chữa bệnh thời thế, cứu rỗi loài người, là thuẫn bênh vực giữ gìn Giáo Hội, là búa sắt phá tan kẻ thù địch, là chìa khóa mở kho tàng Thiên Chúa. Cúi xin Mẹ, vì lời Mẹ đã phán hứa, ban cho khắp thế gian đều nhìn biết giá tri kinh Văn Côi, cho họ yêu mến cậy trông kinh Văn Côi luôn luôn, để họ cải tạo đời sống. Xin Mẹ vì những kinh Văn Côi hằng vang khắp thế giới, ban cho nước Việt Nam được hoàn toàn trở nên con yêu dấu Mẹ. Xin Mẹ làm cho mọi anh em đồng bào con trở nên những tràng kinh Văn Côi sống động của Mẹ, để ngượi khen yêu mến Mẹ Rất Thánh Văn Côi toàn thắng đời đời chẳng cùng. Amen”. “Tất cả những gì tôi có được đều từ Cha Thủ và Dòng Đồng Công” Xin tri ân cảm tạ Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ, vị linh mục được Chúa dùng để sinh ra tôi bằng lòng tin tưởng vào Chúa của cha. Giờ đây, nhờ lòng tin tưởng bất khả thiếu trong đời sống tu đức và nên thánh này, tôi càng ngày càng cảm thấy gần cha hơn bao giờ hết, một lòng tin tưởng đã được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Kinh Mân Côi, cũng như được thử luyện và gia tăng nhờ các hoạt động tông đồ giáo dân với Thiếu Nhi Fatima và cho Tin Mừng Sự Sống. Tôi rất hãnh diện được làm môn đệ của cha. Nhất là được cha đích thân linh hướng sống thánh. Nếu sau này quả thực cha được Giáo Hội tuyên phong và tôn kính trên bàn thờ thì thật là vinh dự biết bao cho một con người đầy đam mê nhục dục và tính mê nết xấu như tôi đây, đã không ngờ được sống với và sống gần một vị thánh, một vị linh mục cả cuộc đời chỉ biết sống chết cho lý tưởng thánh tận tình huấn thánh cho! Di sản Đồng Công của Cha Thủ nơi tôi, qua các hoạt động tông đồ giáo dân của tôi, đã được tỏa lan khắp nơi, trước hết là chính gia đình Cao-Bùi bé nhỏ 5 con người của tôi (1 người vợ luôn đồng hành với mọi việc tông đồ giáo dân của tôi, và cả 3 đứa con nhờ ơn Chúa thật vẹn toàn về trí đức dục), sau đó là thành phần giới trẻ Thiếu Nhi Fatima, rồi tới những độc giả của 16 tác phẩm về Fatima và 16 tác phẩm về Giáo Hội, hay các độc giả của mạng điện toán toàn cầu Thời Điểm Maria, cùng với thành phần thính giả của chương trình phát thanh Tin Mừng Sự Sống. Đại diện tất cả mọi người đã được âm thầm thừa hưởng các Di Sản Đồng Công của cha, gián tiếp qua đứa con thiêng liêng được cha sinh ra từ lòng tin tưởng của cha nơi Chúa và Mẹ này, xin hết lòng tri ân cảm tạ cha. Trước tất cả mọi lời khen tặng của bất cứ ai, trong dòng hay ngoài đời, giáo sĩ hay giáo dân, về những gì tôi làm, liên quan tới những hoạt động tông đồ giáo dân của tôi, như được thuật lại trong bài viết này, nhất là tới một đống thật nhiều sách vở chính tôi không ngờ đã viết và phổ biến, tôi đều tuyên xưng một câu duy nhất: “Tất cả những gì tôi có được đều từ Cha Thủ và Dòng Đồng Công”. Cái vốn liếng Đồng Công này, khi tôi còn tu, chính là kho tàng được chôn giấu trong thửa ruộng đã được tôi từ bỏ mọi sự để tậu lấy, và khi không còn tu, lại chính là viên ngọc quí mà tôi đã phải tiêu hao cả cuộc đời còn lại để bảo trì (xem Mt 13:44-46). Từ ngày chính thức gia nhập tổ chức Gia Đình Tận Hiến Đồng Công (GĐTHĐC), qua Khóa 33HK ở Riverside California, 5-8/7/2007, thời điểm kỷ niệm đúng 90 năm Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, 30 năm GĐTHĐC được phục hồi (1987), và 1 năm được gặp Cha Thủ lần cuối cùng (Thứ Sáu 7/7/2006), tôi đã chính thức "trở về" với Đồng Công, qua ngõ "dòng ba" này. Cho tới đây chắc không ít người thắc mắc rằng tại sao mãi cho tới gần đầy, năm 2007, tôi mới chính thức gia nhập Gia Đình Tận Hiến Đồng Công, trong khi tôi đã xuất từ năm 1982, mà Gia Đình Tận Hiến Đồng Công được thành lập ở Việt Nam từ năm 1978 nhưng tái sinh hoạt từ năm 1987, và bắt đầu ở Hoa Kỳ từ năm 1992. Xin thú thật là tôi đã có nghe đến tổ chức Gia Đình Tận Hiến Đồng Công (GĐTHĐC) từ lâu, nhưng không tha thiết gì cho lắm… cho đến khi. Phải, cho đến thời điểm thiên định. Đó là, vào Tháng 10/2004, Đức Cha Mai Thanh Lương, tân giám mục phụ tá Giáo Phận Orange mới được hơn 1 năm, kêu gọi vợ chồng tôi và anh Trần Mỹ Duyệt cũng là Thân Hữu Đồng Công (cùng với người vợ thứ hai của anh), đến tư gia của ngài để bàn chuyện thành lập một tổ chức mang tên “Gia Đình Thánh Gia” là danh xưng tôi đề nghị. Tuy nhiên, sau cuộc gặp gỡ sơ khởi này, vì những lý do rất tế nhị không thể nói ra nơi đây, những lý do vô cùng sâu nhiệm của Đấng Quan Phòng Thần Linh, khiến tôi tự nhiên cảm thấy “bị” thúc đẩy trở về với Đồng Công và gia nhập tổ chức Gia Đình Tận Hiến Đồng Công. Bấy giờ tôi mới thấy rằng những gì tôi chủ trương “Chiến Dịch Xin Mẹ Chủ Sự Gia Đình” trong cuốn “Mẫu Tâm Maria - Con Tầu Cứu Rỗi Gia Đình” (năm 1995, thời điểm bế mạc Năm Gia Đình 1994-1995), đều phản ảnh Tinh Thần Tận Hiến của Đồng Công mà tôi đã được thấm nhuần từ khi còn ở trong Dòng, và đúng như chủ trương của Gia Đình Tận Hiến Đồng Công. Sau khi gia nhập GĐTHĐC, trong các khóa tĩnh huấn sau đó, tôi vẫn thường hay chia sẻ với quí anh chị em mới cũ rằng: “Gia đình hạnh phúc nhất trên trần gian này là gia đình Thánh Gia. Vậy gia đình nào muốn hạnh phúc thì phải sống như gia đình Thánh Gia. Tức là phải sống đời sống hôn nhân thánh thiện. Không thánh thiện chắc chắn sẽ không có hạnh phúc. Đó là lý do Khóa Tĩnh Huấn của GĐTHĐC hoàn toàn không chú trọng đến vấn đề tâm lý trị liệu tự nhiên theo khoa học, như các chủ trương thăng tiến hôn nhân gia đình khác, hơn là chuyên học hỏi về đời sống thiêng liêng đạo đức. Mà đời sống thiêng liêng Thánh Thiện đối với Cha Thủ là Vị Sáng lập Dòng Đồng Công, vị suốt đời theo đuổi Lý Tưởng Thánh và huấn thánh cho người Việt Nam, cả tu sĩ lẫn giáo dân, đó là đời sống Tận Hiến. Theo Cha Thủ thì nên thánh là sống đời tận hiến và càng sống đời tận hiến thì càng nên thánh vậy… “Cha Thủ đã thiết lập GĐTHĐC như để kêu mời các gia đình hãy vào Con Tầu Noe là Trái Tim Mẹ Maria. Ngày xưa Tầu Noe cứu cả nguyên một gia đình (chứ không phải một cá nhân nào hay một đoàn thể nào) cho khỏi đại hồng thủy thế nào, thì nay Trái Tim Mẹ Maria cũng là nơi nương náu cho các gia đình trong trận lụt văn hóa sự chết của một thế giới càng văn minh con người càng bạo loạn, một nền văn hóa chẳng những hủy hoại sự sống con người mà còn hủy hoại cả môi sinh là thiên nhiên vạn vật nữa, một hiện tượng hủy hoại mọi sự như thế chẳng khác gì một trận hủy diệt kinh hoàng đang diễn ra hiện nay…”. (Trong Kinh Cầu Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ của Cha Thủ có câu: “Trái Tim Mẹ là tàu cứu vớt thế gian cho khỏi lụt vô thần duy vật”). Chính vì GĐTHĐC là một tổ chức âm thầm (chứ không rầm rộ quảng cáo) kêu gọi các gia đình vào Con Tầu Noe là Trái Tim Mẹ Maria cho khỏi bị đắm chìm trong nền văn hóa sự chết như thế mà gia đình nào vào được là cả một đặc ân. Hằng năm, nguyên ở Hoa Kỳ không, với hai khóa tĩnh huấn vào đầu tháng 7, một ở trụ sở trung ương Chi Dòng và một ở Riverside California, con số tham dự hết sức đông đảo, lên tới cả gần 300 con người. Chính vì thế mà hai vợ chồng tôi dù muốn cũng không thể nào vào được cho tới thời điểm thiên định là năm 2007. Cho dù tôi đã ghi danh tham dự từ năm 2005, nhưng bị hụt, vì người phối ngẫu của mình chưa thể tham dự bấy giờ. Năm 2006, thời điểm Khóa Tĩnh Huấn của GĐTHĐC gia đình tôi lại đang ở Việt Nam, và chính cuối tuần đang diễn ra khóa tĩnh huấn ở Hoa Kỳ lại là thời điểm bản thân tôi được gặp Cha Thủ lần cuối cùng, từ 4 đến giờ 30 chiều Thứ Sáu 7/7/2006. Từ nay, bất cứ hoạt động tông đồ giáo dân nào của tôi, dù trước đó và nhất là sau đó, tôi cũng làm với tư cách là một phần tử Đồng Công chính thức, không phải ở bậc Tu Sĩ Đồng Công, hay ở cấp Thân Hữu Đồng Công, mà là ở chỗ “cộng sự của Dòng” (Thủ Bản GĐTHĐC, điều 1), tức với vai trò là một Cộng Sự Đồng Công, để như cánh tay nối dài “cộng tác việc truyền giáo của Hội Dòng Đồng Công” (Thủ Bản GĐTHĐC, điều 3), Di Sản Đồng Công nơi tôi được tiếp tục và liên tục trở thành muối đất men bột cho đời (xem Thủ Bản GĐTHĐC, điều 3). Nếu mộng ước duy nhất của ngài là huấn thánh cho người Việt Nam, cả giới tu trì lẫn giáo dân, thì chớ gì con người bao gồm cả 2 giới này, vì đã từng là tu sĩ Đồng Công của ngài và hiện là một giáo dân cộng sự Đồng Công vẫn còn ăm ắp Di Sản Đồng Công bất khả xóa nhòa của ngài, được diễm phúc là một trong những hoa trái thiêng liêng thánh đức của ngài, "Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ, CMC, Hạt Lúa Miến Mục Nát… Cho Mùa Thánh Đức Việt Nam”. Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh San Bernadino, California, L ễ Sinh Nhật Mẹ Maria 8/9/2009 |